• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ thị 26/CT-BYT của Bộ Y tế: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán năm 2021

Ngày 31/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 26/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong đợt cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, đặc biệt trong công tác kiểm soát nhập cảnh.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện nghiêm đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nâng cao trách nhiệm và ý thức cá nhân của mỗi cán bộ y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản chống dịch cụ thể; xây dựng kế hoạch phân công lấy mẫu, điều phối xét nghiệm khi có dịch xảy ra trên địa bàn; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ; tổ chức diễn tập, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giám sát, xét nghiệm, đội phản ứng nhanh đáp ứng dịch.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý khu cách ly tập trung thực hiện giám sát, theo dõi, xét nghiệm theo đúng các quy định của Bộ Y tế; kiên quyết không để dịch lây lan trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng.

Chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an chính quy cơ sở thực hiện nghiêm việc theo dõi, giám sát người thực hiện cách ly tại khu cách ly dân sự, cách ly tại nhà, người hết thời gian cách ly tập trung theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết để theo dõi, báo cáo ngay khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ, thực hiện báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, ngành Y tế các địa phương cần phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, thông điệp 5K của Bộ Y tế; chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Đối với công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả; tăng cường mức độ cảnh báo, kiểm tra, giám sát người bệnh và người nhà người bệnh đến khám, tư vấn, điều trị; mở rộng thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chống dịch để chủ động đáp ứng nhanh, kịp thời các tình huống; tăng cường công tác khám, tư vấn, điều trị từ xa; tuyên truyền, hạn chế người nhà người bệnh đến thăm nom, tăng cường công tác điều trị toàn diện người bệnh tại bệnh viện. Quán triệt các nhân viên y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế. Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch tổ chức chăm sóc tốt, thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách; có phương án dụ trữ cơ sở thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị.

Về công tác an toàn thực phẩm, cần tổ chức thực hiện theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm; kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Ban An toàn thực phẩm tỉnh, thành phố về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, phổ biến quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán đến người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Cục Y tế dự phòng; Cục An toàn thực phẩm; Cục Quản lý Dược; Vụ Truyền thông và thi đua, khen thưởng; Vụ Kế hoạch - Tài chính; các cơ sở y tế trên toàn quốc chỉ đạo nghiêm túc, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Văn phòng Bộ trực tiếp đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện, báo cáo theo quy định. Nếu có phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét chỉ đạo.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cán bộ y tế không được lợi dụng dịp nghỉ Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí. Không được sử dụng xe ô tô, phương tiện đi lại công để phục vụ việc riêng trong dịp Tết.


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết