• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TỈNH THÁI BÌNH: KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 1996-2020

Đại dịch HIV/AIDS xuất hiện trên thế giới từ những năm 1980, đến nay có hơn 70 triệu người nhiễm HIV, trên 35 triệu người đã chết do AIDS.

Tại Việt Nam, dịch xuất hiện từ năm 1990, hiện có 250 nghìn người nhiễm HIV còn sống và trở thành một vấn đề y tế công cộng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người, kinh tế - xã hội.Tại Thái Bình, kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên vào năm 1996 tại huyện Đông Hưng, qua 24 năm tích cực ứng phó, hiện nay Thái Bình đã cơ bản kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS.

Xác định đại dịch HIV/AIDS có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngay từ những năm đầu tiên đối phố với đại dịch, Đảng bộ và Chính quyền các cấp của tỉnh Thái Bình đã tích cực vào cuộc triển khai các biện pháp y tế, xã hội kịp thời để ngăn chặn dịch. Trong đó tăng cường mạnh mẽ các biện pháp tuyên tuyền để người dân không bị hoang mang trước những thông tin đồn đoán về căn bệnh này. Ban Chỉ đạo và hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các cấp được củng cố, kiện toàn hàng năm và đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với chỉ đạo của trung ương và với đặc điểm tình hình của địa phương.

Tỉnh Thái Bình đã thu hút được các dự án hợp tác Quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS, tăng nguồn lực cho hoạt động, nhất là từ Quỹ toàn cầu.

Với sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đã huy động toàn diện sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai các hoạt động nổi bật về truyền thông, hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội,...

Tất cả các huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn toàn tỉnh đều triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với thực tế tại địa phương. 08/08 huyện/thành phố triển khai các hoạt động trọng tâm gồm: Tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Dự phòng lây nhiễm, cung cấp bơm kim tiêm và bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ cao trong cộng đồng. Điều trị ngoại trú cho hơn 1.300 người nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV; 100% cơ sở điều trị ARV triển khai thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT và 98% người nhiễm HIV có thẻ BHYT được thanh toán các chi phí khám chữa bệnh qua BHYT. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 1.370 người nghiện chích ma túy.

Các hoạt động chuyên môn về y tế như: Công tác truyền thông nguy cơ phòng lây nhiễm HIV/AIDS; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát, theo dõi và tư vấn xét nghiệm HIV ở cộng đồng; chương trình chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã được ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phối hợp thực hiện đồng bộ, quyết liệt, mang lại hiệu quả cao

Đến ngày 31/10/2020, số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống được quản lý tại Thái Bình là 2.168 ca, trong đó nữ 741, 37 trẻ em; lũy tích số tử vong do HIV/AIDS là 1.848; hiện có 1.309 người đang được chăm sóc, điều trị ARV tại 10 phòng khám ngoại trú HIV (OPC) trên địa bàn tỉnh.

Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nhóm từ trên 30 tuổi (70-80%), nhóm từ 20-29 tuổi (20-25%), còn lại là nhóm dưới 20 tuổi. Nhóm lây truyền HIV qua đường máu chiếm tỷ lệ từ (45-60%), đường quan hệ tình dục không an toàn từ 25-30%, hơn 10% là các ca nhiễm không xác định được đường lây.

          Số người nhiễm mới HIV giảm dần qua các năm. Trong tổng số người nhiễm HIV được phát hiện, người nghiện chích ma túy chiếm khoảng trên 60%, nam giới chiếm 70% và nữ giới chiếm 30%, nhóm tuổi 20-39 tuổi chiếm gần 90% số trường hợp được phát hiện.

Hiện nay, nhiễm HIV vẫn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma tuý, gái mại dâm và nhóm lao động xa nhà. Tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng làm đa dạng hơn về đối tượng nhiễm và tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng, làm phức tạp thêm diễn biến dịch trong thời gian tới.

Người bệnh được xét nghiệm CD4 và tải lượng vi rus HIV để đánh giá chất lượng điều trị và giúp bác sỹ điều chỉnh phác đồ điều trị kịp thời. Hàng năm, số người bị phơi nhiễm với HIV (trung bình 100 trường hợp) đều được tư vấn, điều trị phơi nhiễm; số bị tai nạn rủi ro do nghề nghiệp được cấp thuốc điều trị miễn phí theo quy định. Từ tháng 5/2020 triển khai thêm cơ sở điều trị trước phơi nhiễm cho các đối tượng nguy cơ và người dân có nhu cầu (Prep); hiện tại đang điều trị cho 25 người. Duy trì hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con như tư vấn, xét nghiệm sàng lọc phát hiện 100% bà mẹ mang thai nhiễm HIV để điều trị dự phòng. Các hoạt động chăm sóc hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV (OVC) được tổ chức qua thăm hỏi, tặng quà cho trẻ vào dịp Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Nguyên Đán…

Có thể nói, trong những năm qua công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Thái Bình đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh, từ đó thu hút được nguồn lực, tạo ra sự hưởng ứng, tham gia của người dân và các đối tượng nguy cơ bằng các hoạt đông thiết thực. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS được thiết lập, củng cố, duy trì hoạt động từ tỉnh đến cơ sở; hầu hết các địa phương đã triển khai toàn diện các nội dung chương trình phòng chống HIV/AIDS gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương. Ngành Y tế đã chủ động với vai trò nòng cốt trong tham mưu, tổ chức hoạt động nhất là: Các chương trình can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS được chú trọng triển khai rộng khắp: Điều trị ARV cho người nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm; tư vấn và xét nghiệm HIV...Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã trở thành thường quy trong hoạt động của các đơn vị y tế. Nguồn kinh phí, vật tư cho phòng, chống dịch được đảm bảo tương đối ổn định trong giai đoạn 2016- 2020. Đến nay, dịch HIV/AIDS cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam và Thái Bình đã tạo niềm tin và cơ sở cho chiến lược hoạt động phòng, chống dịch trong giai đoạn tới.

          Kết quả đạt được là vậy, song công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Thái Bình cũng còn gặp nhiều khó khăn, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương có xu hướng lơ là; một bộ phận người dân xuất hiện tư tưởng chủ quan trong phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Hệ thống tổ chức hoạt động phòng, chống HIV/AIDS có sự thay đổi ở các tuyến nhất là cán bộ trực tiếp tham gia làm nhiệm nên cần có sự  bổ sung, củng cố hoạt động. Dịch HIV/AIDS còn diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đáng chú ý là các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV còn đan xen giữa các nhóm nghiện chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM), nữ chuyển giới (TG), những người lao động xa nhà,...Độ bao phủ của các dịch vụ, hoạt động truyền thông và can thiệp về phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế nhất là cho nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên và công nhân trong các doanh nghiệp. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tuy đã giảm nhưng vẫn còn tương đối phổ biến, khiến người nhiễm và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV không dám tiếp cận các dịch vụ liên quan. Chỉ tiêu về số người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chỉ đạt gần 50%. Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức quốc tế đã cắt giảm; nguồn kinh phí của địa phương còn hạn hẹp, đặc biệt là kinh phí cho các hoạt động truyền thông can thiệp, giám sát, tư vấn xét nghiệm,...

          Trong thời gian tới, trọng tâm kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030, tỉnh Thái Bình tập trung vào mục tiêu chung là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

          Về mục tiêu cụ thể được đề ra là: Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

          Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng đã đề ra nhóm các chỉ tiêu, cụ thể như: Nhóm chỉ tiêu tác động; nhóm chỉ tiêu về dự phòng; nhóm chỉ tiêu về xét nghiệm; nhóm chỉ tiêu về điều trị và nhóm chỉ tiêu hệ thống y tế.

          Song song với đó, tỉnh Thái Bình cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động; phối hợp liên ngành; thông tin, truyền thông, giáo dục; chuyên môn kỹ thuật; can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; giám sát, theo dõi, đánh giá dịch HIV/AIDS,...để công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Thái Bình đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới./.


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB