• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Qua hệ thống giám sát dịch tễ của ngành y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Thái Bình ghi nhận hơn 4.200 trường hợp mắc hội chứng Cúm, hơn 30 ca mắc Sốt xuất huyết và gần 30 trường hợp mắc Tay chân miệng,…Các hoạt động giám sát dịch bệnh và xử lý môi trường, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh tại các ổ dịch được ngành y tế cùng các địa phương triển khai tích cực kịp thời, khống chế không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm như hiện nay, cộng thêm vào mùa lễ hội ở một số nơi thường tập trung đông người, các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan, bùng phát. Ngành Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện giám sát, hỗ trợ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các khu vực tổ chức lễ hội, đền chùa, nơi tập trung đông người; đồng thời triển khai giám sát, phát hiện sớm, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết cũ và mới; giám sát chủ động tại các cơ sở điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh cúm gia cầm và các biện pháp phòng dịch lây lan…

Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như Cúm, Viêm phổi do phế cầu,… ngành Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh. Đặc biệt, các bệnh có vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng như Sởi, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván,…cần đảm bảo trẻ em trong gia đình được tiêm đủ các mũi vắc xin này theo quy định. 

Riêng đối với bệnh Sốt xuất huyết, hiện nay, bệnh Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, người dân không nên chủ quan lơ là và nếu không phát hiện sớm, không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao. Trong phòng bệnh Sốt xuất huyết, ý thức của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi gia đình cần thực hiện phương châm không có lăng quăng (bọ gậy), không có muỗi sẽ không có sốt xuất huyết, ngành Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh; hàng tuần thực hiện kiểm tra, diệt lăng quăng, lật úp, không để vật dụng chứa nước lâu ngày làm nơi cho muỗi sinh sản. Người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài tay tránh muỗi và đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời khi có các triệu chứng như: sốt cao, đau cơ khớp, nhức đầu, ói mửa, phát ban dạng xuất huyết…

Việc phòng chống bệnh truyền nhiễm không chỉ giúp cho cá nhân ngăn ngừa bệnh và tránh các tổn hại do bệnh nhiễm trùng gây ra, mà còn ngăn chặn việc lây truyền và bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Nếu không chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm, cá nhân hay cộng đồng có thể đối mặt với di chứng bệnh tật nghiêm trọng và nguy cơ tử vong. Do đó, việc chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm trước khi mắc bệnh sẽ đảm bảo an toàn cho bất kỳ cá nhân nào cũng như cộng đồng xung quanh, đồng thời, tránh được các hậu quả lớn đối với sức khỏe, xã hội và nền kinh tế.

Những phương pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng rất đơn giản: thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đảm bảo vệ sinh cá nhân và khu vực sinh sống, xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ và cập nhật kiến thức phòng bệnh thường xuyên. Nếu nghi ngời mắc bệnh truyền nhiễm, hãy đến khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được các y bác sĩ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết