Thái Bình tăng cường sàng lọc bệnh Lao chủ động
Lao là bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đối với thể chất, tinh thần, kinh tế, gia đình của người bệnh mà còn là mối nguy hiểm cho cộng đồng. Bệnh Lao, nếu được phát hiện sớm, được điều trị kịp thời thì sẽ có trên 90% người mắc bệnh Lao thường sẽ khỏi bệnh, trên 75% người mắc Lao kháng thuốc sẽ khỏi bệnh. Để chấm dứt bệnh Lao, vấn đề quan trọng và cốt lõi hiện nay là phải phát hiện sớm bệnh. Chính vì vậy, ngành Y tế đã tăng cường sàng lọc Lao chủ động góp phần phát hiện sớm bệnh Lao và Lao tiềm ẩn.
Cùng với việc làm tốt hoạt động sàng lọc phát hiện bệnh Lao tại đơn vị, Bệnh viện Phổi Thái Bình còn chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát, khám phát hiện bệnh nhân Lao mới tại các địa phương. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Phổi tỉnh năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 1.034 bệnh nhân lao các thể mới và tái phát. Qua việc khám sàng lọc, phát hiện Lao tại tất cả các tuyến y tế, ngày càng nhiều bệnh nhân Lao được phát hiện và điều trị, góp phần hạn chế nguồn lây mới trong cộng đồng. Tỷ lệ bệnh nhân Lao hoàn thành điều trị đạt 96%.
Khi tổ chức đợt sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng, cán bộ chương trình lao phối hợp cùng địa phương tuyên truyền cho người dân về Chương trình phòng, chống bệnh lao của tỉnh; các biểu hiện nhận biết mắc bệnh lao; mức độ nguy hiểm và những ảnh hưởng đến sức khỏe khi mắc bệnh lao; các biện pháp phòng bệnh... góp phần giúp người dân có thêm kiến thức, thực hiện tốt việc phòng chống bệnh lao hiệu quả. Đặc biệt, phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền và chủ động mời các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao như: người có bệnh lý nền, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, làm việc trong môi trường bụi phổi...đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm sàng lọc.
Việc khám sàng lọc bệnh nhân Lao được Bệnh viện Phổi Thái Bình phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện hàng năm nhằm chủ động phát hiện kịp thời các trường hợp mắc Lao để đưa vào quản lý, điều trị sớm, giúp cắt đứt nguồn lây, tránh lây lan trong cộng đồng.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Lao 24/3, để hoạt động phòng, chống Lao tại cộng đồng phát huy hiệu quả tích cực, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh Lao để bản thân người dân chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống cho chính mình và mọi người trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần sự tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động phòng, chống bệnh Lao, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để phòng chống bệnh lao, người dân cần lưu ý:
- Tiêm phòng vắc xin BCG ngừa bệnh lao cho trẻ sơ sinh;
- Khi bị ho kéo dài hơn 02 tuần, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao;
- Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, ngủ giường riêng và dùng riêng chén, đũa, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị; cần phơi mền, chiếu, nệm, đồ vật sử dụng ra nắng mỗi ngày;
- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
Phát hiện sớm người mắc bệnh lao, điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.