• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thuốc lá và bệnh phổi: Gánh nặng bệnh tật gia tăng trên toàn cầu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 8 triệu người tử vong do thuốc lá, trong đó hơn 7 triệu người là người hút thuốc trực tiếp, và khoảng 1,3 triệu người là nạn nhân của hút thuốc thụ động. Trong số các bệnh do thuốc lá gây ra, bệnh phổi là nhóm bệnh chịu ảnh hưởng nặng nề và phổ biến nhất.

Thuốc lá và những tác động tàn phá đến hệ hô hấp

Khói thuốc chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có ít nhất 70 chất được xác định là gây ung thư, như benzen, formaldehyde, arsenic, và polonium-210. Khi hít vào, các chất này bám vào niêm mạc phổi, gây viêm mãn tính, phá hủy cấu trúc phế nang và làm giảm chức năng trao đổi khí. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh lý nguy hiểm như:

 

Ung thư phổi: Theo GLOBOCAN 2020, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư, với hơn 1,8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Trong đó, hơn 85% các ca ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): WHO ước tính, năm 2019 có hơn 3,2 triệu người chết vì COPD, trong đó hơn 90% các ca tử vong ở các nước thu nhập thấp và trung bình – nơi tỷ lệ hút thuốc vẫn cao.

Hen phế quản, viêm phế quản mãn, nhiễm trùng hô hấp: Trẻ em sống trong môi trường có khói thuốc có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao gấp 2 lần so với trẻ sống trong môi trường sạch.

Người không hút thuốccũng không an toàn

Điều đáng lo ngại là hút thuốc thụ động – khi một người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ môi trường – cũng gây tác hại nghiêm trọng. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc có nguy cơ sảy thai, sinh non, hoặc trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Trẻ em phơi nhiễm khói thuốc có nguy cơ cao bị viêm tai giữa, hen suyễn và viêm phổi. Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sau hơn 12 năm thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỉ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành ở Việt Nam có giảm nhưng khá chậm, với tỉ lệ chung ở hai giới là 20,8%, có khoảng 33 triệu người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc tại nhà.

         Kinh tế thiệt hại do thuốc lá gây ra ước tính lên đến 1,2 tỷ USD/năm, bao gồm chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động.

WHO khuyến nghị các biện pháp hiệu quả như:

  Không hút thuốc lá, giảm và bỏ thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi.

  Tăng cường truyền thông giáo dục mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá, đặc biệt hướng đến giới trẻ

  Áp dụng luật cấm hút thuốc nơi công cộng

  Tăng thuế thuốc lá, khiến giá thành cao hơn, từ đó giảm tiêu thụ.

  Cung cấp dịch vụ cai nghiện miễn phí và hỗ trợ tư vấn tâm lý cho người muốn bỏ thuốc.

  Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012 đã góp phần tạo ra môi trường không khói thuốc tại nhiều cơ sở y tế, trường học và nơi làm việc...Tuy nhiên, việc thực thi Luật vẫn còn chưa đồng đều, nhất là tại các khu vực công cộng và quán ăn nhỏ.

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen cá nhân, mà là vấn đề nghiêm trọng về y tế công cộng. Những con số tử vong, chi phí điều trị và suy giảm chất lượng sống do bệnh phổi gây ra là lời cảnh báo rõ ràng. Mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi cơ quan có thể góp phần đẩy lùi hiểm họa thuốc lá bằng hành động cụ thể: Nói không với thuốc lá, bảo vệ lá phổi của mình và người thân./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết