Viêm tai giữa ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa hoặc thời điểm thời tiết chuyển mùa. Bệnh có thể gây khó chịu cho trẻ và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Các bậc phụ huynh cần biết các thông tin về bệnh viêm tai giữa như sau:
1.Viêm tai giữa là tình trạng viêm nhiễm ở vùng tai giữa - không gian phía sau màng nhĩ, nơi các dịch viêm tích tụ và gây ra áp lực trong tai. Bệnh có thể do nhiễm khuẩn hoặc virus, thường xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh, viêm họng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Viêm tai giữa không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ và dễ tái phát nếu không được điều trị đúng cách.
2. Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em
- Do nhiễm trùng đường hô hấp trên: Khi trẻ bị cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp trên, dịch nhầy có thể bị ứ đọng và chặn đường thoát ra của tai, tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi và gây viêm tai giữa.
- Do cấu trúc tai của trẻ nhỏ: Ở trẻ em, vòi nhĩ (đường dẫn từ tai giữa đến họng) ngắn và hẹp, dễ bị tắc nghẽn, giúp vi khuẩn xâm nhập dễ dàng.
- Do môi trường sống: Trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc độ ẩm cao có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng, trong đó có viêm tai giữa.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa
Cha mẹ có thể nhận biết bệnh viêm tai giữa ở trẻ thông qua một số dấu hiệu sau:
- Đau tai: Trẻ thường kêu đau hoặc khó chịu ở tai, có thể kéo tai hoặc xoa tai liên tục.
- Sốt cao: Trẻ có thể bị sốt cao, đặc biệt là trong giai đoạn nhiễm trùng đầu tiên.
- Nghe kém tạm thời do dịch viêm tích tụ, khả năng nghe của trẻ có thể giảm đi.
- Chảy dịch tai: Trong một số trường hợp, có dịch mủ chảy ra từ tai của trẻ là nhiễm trùng đã tiến triển.
- Mất ngủ và khó chịu: Trẻ thường quấy khóc, khó chịu và không muốn ăn uống.
4. Cách phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ
- Để bảo vệ tai của trẻ, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Giữ ấm và khô ráo tai cho trẻ: Không để trẻ tiếp xúc lâu với nước mưa và không để nước bẩn xâm nhập vào tai. Khi đi ra ngoài trong thời tiết mưa, hãy sử dụng mũ che chắn và áo khoác kín cho trẻ.
- Dạy trẻ vệ sinh tai mũi họng đúng cách: Giúp trẻ giữ vệ sinh tai mũi họng, hạn chế đưa tay vào tai, mũi để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì khói thuốc lá làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ, dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp, làm tăng nguy cơ viêm tai giữa.
- Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ: Đưa trẻ đi khám tai mũi họng định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu viêm nhiễm, nhất là khi trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng.