“Xét nghiệm là then chốt, vắc xin là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát”
Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành văn bản 4259/UBND-KGVX ngày 24/9/2021 về triển khai Kế hoạch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với thông điệp “Xét nghiệm là then chốt, vắc xin là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát”.
Trong đó, yêu cầu hệ thống báo chí, truyền thông cần lưu ý làm rõ, truyền thông có điểm nhấn đối với những quan điểm, chỉ đạo có tính nguyên lý trong chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phân tích, so sánh và đánh giá khoa học đối với các giải pháp phòng, chống dịch để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Đối với những vấn đề mới, xu hướng mới và các thông điệp, nội dung cần tập trung truyền thông hiệu quả là: chính sách phòng, chống dịch liên tục được điều chỉnh đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta; lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch. Đánh giá đúng nguy cơ dịch tễ để khoanh vùng phong tỏa, cách ly, giãn cách đến mức độ nhỏ nhất. Chiến lược chống dịch lâu dài có 03 yếu tố: vắc xin, xét nghiệm và điều trị.
Đầu tư tăng các bài, chương trình phân tích kỹ, bình luận sâu, ý kiến chuyên gia về các thông điệp chống dịch quan trọng như: Biến thể Delta vừa lây lan nhanh, lại vừa kéo dài. Chu kỳ ủ bệnh COVID-19 hiện nay đã kéo dài hơn,…Truyền đi thông điệp “ 5K+ vắc xin + xét nghiệm + ý thức người”
Kế hoạch cũng lưu ý triển khai những việc cần thực hiện như: các cơ quan báo chí, truyền thông giảm bớt lượng tin tức phản ánh không có chiều sâu về diễn biến của dịch bệnh. Không đưa số liệu mà thiếu phân tích, thiếu kiểm chứng,…Thông tin cơ sở cần chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở nhưng không làm ảnh hưởng đến việc dạy – học trực tuyến. Tiếp tục thông tin cụ thể về tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Tiếp tục thông tin về kế hoạch hỗ trợ người dân để bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh. Tuyên truyền, vận động người dân tích cực chấp hành các yêu cầu của chính quyền để sớm đạt các tiêu chí trong phòng, chống dịch như: tiêm vắc xin, xét nghiệm, khai báo y tế,…Tuyên truyền chủ trương, biện pháp phòng chống dịch mới thích ứng với điều kiện các địa phương đã thực hiện tiêm chủng mở rộng, các giải pháp, biện pháp cần người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện khi các địa phương nới lỏng giãn cách, tránh tạo tâm lý chủ quan trong nhân dân. Chủ động phản hồi, giải thích, điều chỉnh những thông tin không chính thống, sai sự thật, xuyên tạc trên mạng xã hội gây hoang mang, bi quan, tiêu cực trong nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch đảm bảo an toàn thông tin./.