Bộ Y tế: Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID- 19 tại cơ quan, đơn vị
Ngày 16/8/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn khẩn số 6666/BYT-MT hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ chủ trì và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức phổ biến, tập huấn Hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện Hướng dẫn; tổ chức truyền thông về các qui định phòng, chống dịch tại Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, chỉ đạo triển khai, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Hướng dẫn. Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, có thể điều chỉnh Hướng dẫn cho phù hợp. Các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị triển khai công tác phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Hướng dẫn “Các phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị” hướng đến mục đích chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 (F0), nghi ngờ mắc COVID-19, tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) tại cơ quan, đơn vị; đảm bảo an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến hoạt động của đơn vị.
Tại Hướng dẫn này, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban, có đầu mối tham mưu, tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch. Thành viên gồm đại diện công đoàn, đoàn thanh niên, một số tổ chức/cá nhân trực thuộc của đơn vị; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo.
Thành lập các Tổ an toàn COVID-19 của đơn vị gồm thành viên là đoàn viên công đoàn, Đoàn Thanh niên; mỗi Tổ có từ 3-5 người, tổ trưởng là Thủ trưởng công đoàn hoặc Đoàn thanh niên. Nhiệm vụ của Tổ an toàn COVID là hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị triển khai tuyên truyền, phát hiện, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình sức khỏe của người lao động tại đơn vị. Kiến nghị thủ trưởng đơn vị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời cho thủ trưởng đơn vị và bộ phận y tế của đơn vị khi phát hiện người lao động mắc COVID-19 (F0) hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 (ho, sốt, khó thở...) để xử lý theo quy định.
Tổ an toàn COVID có nhiệm vụ hỗ trợ đơn vị và cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 và các trường hợp khẩn cấp khi đơn vị có trường hợp mắc COVID-19 hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Các đơn vị xây dựng Kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch COVID-19; quản lý thông tin của người lao động; tổ chức theo dõi sức khỏe của người lao động hằng ngày, không được bố trí làm việc đối với người có một trong các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... và người thuộc đối tượng F1, F2; yêu cầu người lao động tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe tại nhà trước khi đến nơi làm việc, không đi làm nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở... và phải báo cho đơn vị quản lý, y tế địa phương để được tư vấn và xử trí theo qui định.
Trường hợp người lao động của đơn vị làm việc và lưu trú ở những địa phương khác nhau, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm thông báo cho Sở Y tế Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh của các địa phương liên quan để quản lý và theo dõi y tế đối với người lao động. Tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra vào đơn vị và khai báo y tế theo quy định.
Các đơn vị thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 sàng lọc bằng test kháng nguyên nhanh hoặc phương pháp RT-PCR hằng tuần ít nhất cho 20% người lao động có nguy cơ (bộ phận lễ tân, làm việc với khách hằng ngày...). Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR trước và sau khi người lao động đi công tác trong vòng 3 ngày (72 giờ) tính đến thời điểm đi công tác hoặc quay lại đơn vị hoặc theo các quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế. Đồng thời, xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động.
Đối với người lao động, Bộ Y tế đề nghị thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K; Tự theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày; không được đi làm nếu đang trong thời gian cách ly y tế; đảm bảo khoảng giãn cách tại nơi làm việc, hội họp, các khu vực công cộng tại đơn vị; tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp… Bộ Y tế cũng hướng dẫn cụ thể phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc COVID-19, mắc COVID-19 (F0), F1, F2 tại đơn vị.