Công đoàn ngành Y tế Thái Bình: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Tính đến 6h00 ngày 03/8/2021, Việt Nam đã ghi nhận thêm 3.578 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 15 ca nhập cảnh và 3.563 ca ghi nhận trong nước. Riêng tại TP.HCM là 1.998 ca.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27/4/2021 đến nay là 161.482 ca, trong đó có 44.191 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 04/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn và Thái Bình.
Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Điện Biên.
Trong ngày hôm qua 02/8 có gần 538.490 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 6.959.200 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 6.246.330 liều, tiêm mũi 2 là trên 712.860 liều.
Đây là ngày Việt Nam tiêm chủng được nhiều nhất từ khi triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 (tháng 3/2021). Nếu tiêm đạt từ 500.000 mũi/ngày trở lên, cuối năm 2021 Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Tại Thái Bình, các cấp, các ngành, các địa phương vẫn đang quyết liệt và tập trung cao độ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện Công văn số 1085/LĐLĐ ngày 01/7/2021 của LĐLĐ tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Y tế Thái Bình cũng đã ban hành Văn bản số 99/CĐYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đề nghị các Công đoàn cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Nâng cao tinh thần trách nhiệm tuyệt đối không chủ quan lơ là, xác định nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các cấp công đoàn hiện nay. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Tổng Liên đoàn, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của công đoàn cấp trên về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Thường xuyên nắm tình hình đoàn viên, công nhân lao động liên quan đến dịch bệnh COVID-19; rà soát và đề nghị Công đoàn ngành hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 theo Kế hoạch số 76/KH-CĐYT ngày 03/6/2021 của Công đoàn ngành; Tiếp tục vận động đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19” theo Kế hoạch số 87/KH-CĐYT ngày 18/6/2021 của Công đoàn ngành Y tế Thái Bình.
Chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để chăm lo, hỗ trợ, đảm bảo chế độ, tiền lương cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật, nhất là các ca F0, F1, F2 và công nhân lao động đang phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước.
Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động và cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Khi có ca mắc mới, ổ dịch mới cần phối hợp khẩn trương thống kê, truy vết xác định các trường hợp công nhân lao động là F0, F1, F2 để thực hiện cách ly, xét nghiệm theo quy định.
Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động, các Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, vận động người sử dụng lao động, các tổ chức cá nhân hảo tâm chung tay đồng hành cùng tổ chức công đoàn kịp thời chia sẻ, động viên, hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong khu vực cách ly, khu vực phong tỏa các nhu yếu phẩm thiết yếu... thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Các đơn vị tổng hợp danh sách đoàn viên, người lao động thuộc diện F0, F1, F2 (có mẫu gửi kèm) báo cáo về Công đoàn ngành Y tế qua mạng văn phòng hoặc email: Congdoanytetb@gmail.com) trước 15 giờ hàng ngày./.