Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động
Khoa Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình tiếp tục cung cấp một số thông tin về trách nhiệm của người sử dụng lao động, Ban Quản lý Ký túc xá trong phòng, chống COVID-19 như sau:
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá bao gồm người sử dụng lao động, đại diện các phòng ban, bộ phận y tế, nhân sự, công đoàn/tổ chức đại diện người lao động, an toàn vệ sinh lao động,... Trong đó bộ phận y tế là thường trực của Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tại nơi làm việc,... Tổ chức công đoàn/đại diện người lao động có trách nhiệm phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tuyên truyền cho người lao động; phản ánh các khó khăn, vướng mắc và việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động.
Thiết lập kênh liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số điện thoại: 02273.836.722, 02273.831.885 hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh Thái Bình 02273.640.786 hoặc Bộ Y tế, số điện thoại 1900 9095 hoặc Trung tâm Y tế huyện, thành phố hoặc cơ quan y tế gần nhất theo quy định của địa phương.
Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19:
Kế hoạch được xây dựng trên căn cứ kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc đánh giá những việc cần làm tại các phụ lục từ số 2 đến số 6 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
Nội dung của kế hoạch bao gồm những nội dung cần triển khai; người chịu trách nhiệm thực hiện, thời gian thực hiện; người chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát; kinh phí đảm bảo thực hiện. Lập bản đồ các vị trí có nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc, ký túc xá. Kế hoạch phải được thường xuyên kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện để điều chỉnh phù hợp.Kế hoạch phải bao gồm cả phương án xử trí và bố trí phòng để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở; hoặc có ca bệnh hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 02 trong quá trình làm việc hoặc khi đang ở ký túc xá. Sắp xếp nhân lực, kinh phí phù hợp để thực hiện kế hoạch.Kế hoạch bố trí khu cách ly tập trung tại khu vực làm việc hoặc tại ký túc xá của người lao động theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khi được yêu cầu.
Không cho phép người không có phận sự vào khu vực làm việc/ký túc xá. Trong trường hợp cần thiết vào khu vực làm việc/ký túc xá thì bảo vệ phải ghi lại thông tin cá nhân, kê khai y tế bắt buộc của người vào (khách), người tiếp khách, vị trí tiếp khách, thời gian tiếp khách vào sổ trực ban, không cho phép khách đi vào các khu vực không liên quan. Nếu được thì bố trí riêng khu vực để tiếp khách. Khách vào khu vực làm việc/ký túc xá phải được đo nhiệt độ, đeo khẩu trang và rửa tay. Gắn biển “Đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào” đặt ngay cổng ra vào.
Bố trí đủ nhân lực tại cổng ra vào: Để đo kiểm tra thân nhiệt cho người lao động và đảm bảo khoảng giãn cách tối thiểu tại khu vực cổng ra vào tại thời điểm đầu giờ và khi hết giờ làm việc. Việc thực hiện được điều chỉnh tùy theo tình hình dịch.
Rà soát, sắp xếp và tổ chức công việc tại nơi làm việc: Để đảm bảo khoảng cách, giãn cách theo quy định.
Đối với các cuộc họp, hội nghị, sự kiện, hoạt động tập trung đông người: Ưu tiên hình thức trực tuyến (online).
Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh hoạt (nếu được). Khuyến khích người lao động trao đổi, làm việc hoặc giao ca trực tuyến qua điện thoại, các phần mềm hội thảo trực tuyến, phương tiện truyền thông xã hội khác, E-mail,…
Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay: Có đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí trước khi vào làm việc; trước và sau khi ăn, tại các khu vệ sinh; tại các vị trí có tiếp xúc chung như: cây ATM, bình nước uống công cộng, máy bán hàng tự động,…
Đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn: Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt 24/24 giờ và đủ nhà vệ sinh theo quy định.
Tăng cường thông khí nơi làm việc bằng cách tăng thông gió, hoặc mở cửa sổ, cửa ra vào, sử dụng quạt. Thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa.
Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy: Đặt tại các vị trí thuận tiện. Đảm bảo có đủ các trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác vệ sinh, khử khuẩn nơi làm việc, khu ký túc xá .
Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,… tiếp xúc với nhiều người cần lắp đặt hệ thống vách ngăn trong suốt; cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang, găng tay đúng cách cho người lao động; cung cấp các dung dịch sát khuẩn tay tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch.
Đối với phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối, khuyến khích lắp đặt vách ngăn giữa người điều khiển phương tiện và hành khách, tăng thông gió bằng cách mở cửa sổ.
Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở lao động/ký túc xá cho người lao động: Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe, đảm bảo các điều kiện vệ sinh như đo nhiệt độ, khai báo y tế hằng ngày, đeo khẩu trang và găng tay khi phục vụ. Sắp xếp giờ nghỉ giải lao/ăn trưa lệch giờ. Cung cấp các suất ăn cá nhân. Tránh tập trung đông người ở căng tin/phòng ăn trong một khung giờ, tránh ngồi đối diện, trò chuyện khi ăn. Ăn xong rời khỏi căng tin ngay, tránh tiếp xúc không cần thiết. Đảm bảo khoảng cách khi ăn, bố trí so le tùy theo tình hình dịch. Khuyến khích lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn. Bố trí khu vực rửa tay trước và sau khi ăn. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn ngay sau mỗi lượt người lao động ăn, uống. Có biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt hoặc phiếu ăn để trả tiền ăn.
Nếu có tổ chức đưa đón người lao động phải đảm bảo các quy định sau: Số lượng người trên xe đưa đón người lao động thực hiện theo hướng dẫn về quy định giãn cách trên phương tiện giao thông của Bộ Giao thông vận tải. Bố trí camera giám sát trên xe (nếu có thể). Khuyến khích thực hiện thông gió tự nhiên trên phương tiện. Đảm bảo có sẵn dung dịch sát khuẩn tay. Thực hiện đo kiểm tra nhiệt độ cho người lao động và yêu cầu người lao động rửa tay sát khuẩn trước khi lên xe và đeo khẩu trang suốt hành trình. Lập danh sách hoặc quản lý danh sách người lao động đi xe hoặc bằng thẻ. Khuyến khích cố định người lao động di chuyển trên cùng một xe đưa đón. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn xe trước/sau mỗi lần đưa đón.
Thông báo, đề nghị các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (thực phẩm, cung cấp suất ăn, vệ sinh môi trường, khử khuẩn…) cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Khi có trường hợp người lao động/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc hoặc là ca bệnh hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì thực hiện theo hướng dẫn tại mục VI và VII, Phần I của Hướng dẫn này. Đối với cơ sở lao động có phòng, trạm y tế tại nơi làm việc cần rà soát sắp xếp và thông báo lối đi riêng dành cho người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, đau rát họng, khó thở đến khám và tư vấn.
Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động: Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh môi trường nơi làm việc, hạn chế tiếp xúc các bề mặt nếu không cần thiết, thực hiện nghiêm các quy định của công ty và của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức cho người lao động thực hiện khai báo y tế điện tử (app nCOVI hoặc các giải pháp cập nhật) theo quy định của Bộ Y tế.
Tổ chức thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động và khách hàng (nếu có). Treo, dán các áp phích, thông báo hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực công cộng (khu vực dùng chung tại nơi làm việc, căng tin, khu vệ sinh, cây ATM), trên phương tiện vận chuyển để người lao động/khách hàng có thể đọc và làm theo. Ban hành các quy định về phòng, chống dịch của đơn vị và có chế tài xử lý các vi phạm nếu người lao động không tuân thủ. Thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác cho người lao động để tránh lo lắng không cần thiết.
Đảm bảo điều kiện và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của Hướng dẫn. Bố trí người kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại nơi làm việc.