• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng Ngày Tim mạch Thế giới 29/9: Hãy cùng chung tay để có một trái tim khỏe

Hiện nay, một trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở nước ta hàng đầu là bệnh lý tim mạch, đột quỵ và ung thư. Mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Hưởng ứng “Ngày Tim mạch Thế giới”?

Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh lý tim mạch đang có khuynh hướng tăng lên rất rõ ở nước ta.

Trong các bệnh lý tim mạch thì Tăng huyết áp là loại bệnh phổ biến nhất và tỷ lệ mắc bệnh này cũng ngày càng gia tăng. Theo điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam, thì tỷ lệ Tăng huyết áp của người từ 25 tuổi trở lên ở nước ta đã là 25,1%. Vì vậy, tỷ lệ các biến chứng của bệnh Tăng huyết áp như: tai biến mạch máu não (đột quỵ), suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ…cũng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trong cộng đồng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý Tăng huyết áp đang được trẻ hóa.

Tại Viện Tim mạch Quốc gia, Trung tâm Tim mạch và Khoa Tim mạch các bệnh viện tỉnh, hàng ngày, các thầy thuốc phải đối mặt với bệnh lý nhồi máu cơ tim, một biến chứng nguy hiểm thường gặp của Tăng huyết áp, độ tuổi bị Nhồi máu cơ tim cũng trẻ hóa, thậm chí có những thanh niên 28, 30 tuổi đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. Nguyên nhân của bệnh tim mạch hiện nay là do liên quan nhiều đến lối sống và các yếu tố nguy cơ mà chúng ta có thể thay đổi được như: ăn quá mặn, ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn uống dư thừa gây tăng cân béo phì; lạm dụng rượu bia - hút thuốc lá, ít vận động hoặc không vận động thể lực và stress do áp lực của công việc. Hiện các bệnh ảnh hưởng tới tim mạch như Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Rối loạn lipide máu đang gia tăng trong cộng đồng. Các bệnh này để lại di chứng nặng nề và gây tử vong cao.

Bên cạnh đó, biến chứng phình tách thành động mạch chủ do Tăng huyết áp cũng ngày càng được phát hiện nhiều. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể tăng tới 50% trong 24 giờ đầu tiên nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời.

           Các biện pháp phòng, tránh bệnh Tim mạch

Để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chúng ta nên điều chỉnh lối sống. Chế độ dinh dưỡng nên phối hợp nhiều loại thực phẩm, mỗi bữa ăn phải có đủ 4 nhóm thực phẩm:

- Nhóm chất bột đường: là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong bữa ăn gồm gạo, khoai,...

- Nhóm chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa và nguồn thực vật như đậu đỏ, đậu nành,…

- Nhóm chất béo: bơ, dầu ăn và các hạt như mè, đậu phộng,…

- Nhóm vitamin và khoáng chất: có trong trái cây tươi và rau củ tươi.

Theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới, sau đây là 10 lời khuyên để bảo vệ trái tim cho bạn, gia đình bạn và cộng đồng:

1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.

2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch.

3. Không hút thuốc lá (thuốc lào, thuốc lá điện tử, Shisha) vì hút thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

4. Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.

5.Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, Triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.

6. Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm trọng lượng của bạn cũng tăng lên và gây bệnh Tăng huyết áp.

7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, công sở, nơi công cộng.

8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.

9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.

10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.

Với thông điệp “Vì một trái tim khỏe” mỗi người dân cần tự chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và những tai biến do bệnh tim mạch gây ra như không hút thuốc lá, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tăng cường tập thể dục và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chúng ta hãy cùng chung tay để có một trái tim khỏe./.


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết