Người dân không nên chủ quan khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm test nhanh
Test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm chẩn đoán nhanh RDT (Rapid diagnostic test) giúp phát hiện sự hiện diện protein đặc hiệu của virus (hay còn gọi là kháng nguyên) COVID-19 có trong mẫu dịch đường hô hấp của người bệnh (dịch tỵ hầu, dịch tiết đường hô hấp). Các kháng nguyên sẽ được phát hiện khi virus SARS-CoV-2 đang nhân lên với số lượng nhất định.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, với số mắc không ngừng gia tăng và có khả năng lan rộng trong thời gian tới; những nguồn lây trong cộng đồng ngày càng khó lường, nhất là khi xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm. Nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân, hiện nay, xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR và test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 là 2 phương pháp đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện để chẩn đoán COVID-19. Tuy nhiên, mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm khác nhau và tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, diễn biến lâm sàng mà sử dụng một hay cả hai loại xét nghiệm trên.
Với test nhanh kháng nguyên, đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, có kết quả chỉ sau 15-30 phút, cho phép nhanh chóng phát hiện người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy thấp hơn phương pháp realtime RT-PCR.
Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, nhiều người sau khi đi xét nghiệm test nhanh COVID-19 có kết quả âm tính đã có tâm lý chủ quan nghĩ rằng mình đã không mắc bệnh và có thể đi lại các nơi tùy thích hoặc không tiếp tục tự cách ly và thực hiện đúng theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Vì vậy, khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm test nhanh người dân không nên chủ quan nghĩ rằng mình đã an toàn với COVID-19.
Khoa Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cung cấp một số thông tin về test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 như sau:
Test nhanh là xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus trong máu hay còn gọi làm xét nghiệm nhanh, cho phép xác định việc bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó có phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng lại virus SARS-CoV-2.
Test nhanh có giá trị điều tra dịch tễ xem tình hình dịch đã qua, hiện tại và dự báo tương lai. Kỹ thuật đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh.
Test nhanh làm sớm quá thì cơ thể chưa có đủ kháng thể, sẽ cho kết quả test nhanh âm tính.
Test nhanh làm đúng lúc, cũng chưa đủ khẳng định được là hiện tại có sự hiện diện virus SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không, mà cần phải làm thêm xét nghiệm Real-time PCR để tìm virus SARS-CoV-2.
Test nhanh làm muộn thì có thể cho kết quả dương tính, nhất là sau 2 tuần phơi nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng tiếc là khả năng ngăn ngừa lây lan đã bị trôi qua.
Test nhanh còn có giá trị để xác định xem cơ thể đã có kháng thể kháng lại virus SARS-CoV-2 chưa.
Test nhanh âm tính mà xét nghiệm Real-time PCR dương tính, thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong một vài ngày gần đây, thường là dưới 7 ngày và kháng thể chưa kịp hình thành trong máu.
Test nhanh không dùng để khẳng định mắc bệnh COVID-19, vì bản chất của test nhanh là dùng để phát hiện kháng thể. Như vậy, người đi từ vùng dịch về hay các trường hợp nguy cơ dù làm xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể cho kết quả âm tính vẫn chưa đủ để khẳng định người được xét nghiệm không mắc COVID-19, vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. Do đó, người được xét nghiệm nếu có kết quả test nhanh âm tính tuyệt đối không được chủ quan, không được nghĩ rằng mình chắc chắn không mắc COVID-19, vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch và tiếp tục theo dõi, xét nghiệm theo quy định.
Để bảo vệ sức khỏe mọi người trước đại dịch COVID-19, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch theo qui định, khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, viêm phổi… phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, xử lý kịp thời./.