• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những con số cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ cuả con người

          Trước tiên phải nói rằng, dù là loại thuốc lá nào đi chăng nữa, ngay cả với những loại thuốc lá mới được áp dụng công nghệ hiện đại thì chúng cũng đều không an toàn cho sức khỏe của bạn.

 

Thuốc lá đã và đang gây ra tổn thất to lớn về sức khỏe, kinh tế và môi trường cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới có trên 1 tỷ người đang hút thuốc lá, trong đó 70% số người hút thuốc sinh sống tại các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới; tỷ lệ nam giới hút thuốc ở nước ta giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020.

Việt Nam hiện có khoảng 15,3 triệu người (trên 15 tuổi) hút thuốc; 56% người hút thuốc trước tuổi 20; 33 triệu người hút thuốc lá thụ động tại nhà; 05 triệu người không hút thuốc lá bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nơi làm việc trong nhà. Theo điều tra năm 2014: 47,7% học sinh lứa tuổi 13 – 15 phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà; 66,5% phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi công cộng trong nhà. Thuốc lá không chỉ có tác hại đối với người hút mà những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng, nhiễm độc. Đặc biệt người hít phải khói thuốc có nguy cơ bị bệnh cao gấp 10 lần người hút thuốc.

Hàng năm, Việt Nam có trên 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030 con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Gánh nặng bệnh tật từ các bệnh không lây nhiễm (Tăng Huyết áp, Đái tháo đường, Bệnh đường hô hấp cấp và mạn tính, Ung thư...) mà nguyên nhân chính là từ thuốc lá đang tăng nhanh chóng. Khói thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng người hút thuốc lá thường xuyên trong nhiều năm thì tuổi thọ sẽ giảm đi rất nhiều so với người không hút thuốc lá.

Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá số 09/2012/QH13 và hiệu lực thi hành ngày 01/5/2013. Một số điều của Luật quy định như sau:

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá

1. Xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

2. Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

3. Quy hoạch kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.

4. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, các phương pháp cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu và sản xuất thuốc cai nghiện thuốc lá; hợp tác, tài trợ cho phòng, chống tác hại của thuốc lá; người sử dụng thuốc lá tự nguyện cai nghiện thuốc lá.

5. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trồng cây thuốc lá, sản xuất thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá chuyển đổi ngành, nghề.

6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá;

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

c) Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

d) Tổ chức bồi dưỡng và tăng cường nhân lực tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá;

đ) Tổ chức nghiên cứu, tư vấn, phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị nghiện thuốc lá;

e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại của thuốc lá theo thẩm quyền;

g) Hằng năm, tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả phòng, chống tác hại của thuốc lá;

h) Hợp tác quốc tế về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tác hại của thuốc lá; phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại địa phương.

Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phươngtrong phòng, chống tác hại của thuốc lá

1. Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

2. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.

3. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

1. Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.

2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.

2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.

3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.

4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.

5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.

6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.

8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.

9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

Với những con số cảnh báo cùng với các qui định cụ thể trong Luật PCTHTL, hy vọng mỗi chúng ta sẽ có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội, cùng chung tay xây dựng “Môi trường không khói thuốc”./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB