Thái Bình: Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo ATTP tại doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất căng thẳng tại nhiều địa phương trong cả nước, số ca bệnh tăng lên rất nhanh,tại Thành phố Hồ Chí Minh số ca mắc COVID-19 có ngày lên tới hơn 4000 ca.
Tại Thái Bình, theo số liệu thống kê báo cáo của Sở Y tế ngày 18/7/2021, số bệnh nhân COVID-19 từ 01/01/2021 đến nay là 42 trường hợp. Số bệnh nhân mắc COVID-19 mới tính từ ngày 28/4/2021 là 37 bệnh nhân, trong đó có 07 ca nhập cảnh cách ly tại Trung đoàn 568 và 30 ca bệnh trong cộng đồng). Đây là những con số đang báo động cần phải có ngay những biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương, ban ngành, đơn vị trong tỉnh thì Thái Bình đã tăng cường triển khai kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo ATTP tại doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những địa điểm tập trung đông người và có nguy cơ mắc COVID-19 với số lượng ca mắc lớn nếu xuất hiện ca F0 tại doanh nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp ngoài Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bắt đầu từ ngày 08/6 đến ngày 28/6/2021, tỉnh thành lập 02 Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo ATTP tại 22/38 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, qua kết quả kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó các tình huống theo từng cấp độ dịch, đặc biệt là khi có trường hợp F0, trường hợp nghi nhiễm tại doanh nghiệp. 20/22 doanh nghiệp đã tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc giaphòng, chống dịch bệnh COVID-19, có kết quả xếp loại nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc rất ít. Tại các cổng ra vào của doanh nghiệp đã thực hiện việc đo kiểm tra thân nhiệt, cung cấp dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Một số đơn vị đã thực hiện khai báo y tế thông qua mã QR Code và phun khử khuẩn cho các phương tiện ra vào công ty. Cấp phát khẩu trang và yêu cầu người lao động đeo tại nơi làm việc và nơi công cộng. Đồng thời tổ chức các hình thức tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc bằng các hình thức như dán áp phích, sử dụng loa phát thanh trong nội bộ doanh nghiệp. 18/22 đơn vị đã bố trí phòng cách ly y tế tạm thời. Tổ thức thực hiện và duy trì công tác vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại các khu vực của đơn vị. Lập danh sách chi tiết người lao động tại doanh nghiệp với các thông tin cụ thể như: họ tên, phòng ban, địa chỉ lưu trú, số điện thoại để có thể cung cấp cho cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng chống dịch khi có yêu cầu. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được khắc phục ngay. Hầu hết doanh nghiệp chưa có phân công cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phương án đáp ứng với các cấp độ dịch còn sơ sài, chưa xác định nội dung cụ thể cần triển khai thực hiện, chưa làm rõ nhu cầu về trang thiết bị, hậu cần, nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị chưa thực hiện đúng phân luồng cách ly y tế khi có trường hợp F0 hoặc trường hợp nghi nhiễm, phòng cách ly tạm thời bố trí chưa hợp lý, chưa đủ các phương tiện, biển báo, nội quy, hướng dẫn theo quy định. Một số cơ sở chưa đảm bảo tần suất đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc, chưa đảm bảo tần suất khử khuẩn, vệ sinh môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hầu hết chưa phân công người kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch hoặc chưa ghi chép đầy đủ các biên bản tự kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại đơn vị. Thiếu các pano, áp phích về phòng, chống dịch tại vị trí các xưởng, nơi làm việc. Chưa chủ động trong công tác xét nghiệm cho nhóm nguy cơ cao và 20% người lao động theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chưa thực hiện cập nhật bản đồ an toàn COVID-19 trên hệ thống theo quy định.
Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, 100% doanh nghiệp được kiểm tra đều có bếp ăn tập thể, có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe và hợp đồng cung cấp nguyên liệu.Có 20/22 doanh nghiệp đủ tiêu chí đáp ứng về kiến thức ATTP. Các cơ sở đều đảm bảo các quy định về thủ tục pháp lý khi tổ chức thực hiện bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp. Còn 02 cơ sở, nhân viên phục vụ, tham gia chế biến chưa được tập huấn kiến thức là Công ty cổ phần sợi Trà Lý và Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Tân (Vũ Thư). 100% cơ sở có địa điểm cách xa nguồn ô nhiễm; thiết kế bố trí khu vực chế biến theo quy tắc một chiều; tường, trần, sàn nhà khu chế biến vệ sinh sạch sẽ, có khu vực ăn uống (nhà ăn) đảm bảo, có hệ thống rửa tay trước khi ăn; có kho bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh theo quy định; có nhà vệ sinh cách biệt với khu chế biến Một số cơ sở mới: Bếp ăn tập thể Công ty TNHH Maxport LTD; Bếp ăn tập thể Công ty cổ phần Quốc tế Bảo Hưng; Bếp ăn tập thể Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao - chi nhánh Thái Bình, nhà máy Tân Đệ 5; Tân Đệ 6, Tân Đệ 8; Bếp ăn tập thể Xí nghiệp May Thái Hà. 100% cơ sở đều đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị dụng cụ trong chế biến. 100% cơ sở có nhân viên thực hành vệ sinh cá nhân, ghi chép sổ thực hành kiểm thực 3 bước đúng quy định. 95,4% cơ sở thực hiện lưu mẫu đúng. 90,9 % cơ sở rửa sạch dụng cụ bát đĩa. 100% cơ sở đã sử dụng nước sạch, thực phẩm sạch, phụ gia thực phẩm đúng quy định để chế biến thực phẩm.
Qua nhiều năm, Chi cục ATVSTP thực hiện kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn, hiện nay các doanh nghiệp cơ bản đều chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo ATTP cho người lao động. Đặc biệt, trong khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã có phương án giãn cách cho công nhân trong quá trình ăn ca như: Trang bị vách ngăn bằng nhựa trắng, meka kính trong...; hạn chế số lượng công nhân ăn tập trung và chia ca ăn làm nhiều đợt (3 hoặc 4 ca/bữa, thời gian ăn cách nhau 20-30 phút/ca) hoặc bố trí vị trí ngồi giãn cách, tuy nhiên tại một số doanh nghiệp chưa đảm bảo khoảng cách giãn cách âm theo qui định.
Với những con số báo động về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra trên cả nước, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay thì việc triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh tại mỗi địa phương, đơn vị là việc làm sống còn, cần phải làm ngay, đặc biệt tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động đã triển khai thì các doanh nghiệp cần quan tâm tăng tần suất đánh giá nguy cơ ô nhiễm tại các điểm. Bố trí việc phân luồng nguy cơ, buồng cách ly tạm thời, tăng cường công tác tự kiểm tra. Bố trí xét nghiệm sàng lọc cho nhóm người có nguy cơ cao theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh.
Để chủ động phòng, chống dịch kịp thời, mỗi đơn vị, địa phương, mỗi người dân, mỗi công nhân, người lao động trong doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh. Các doanh nghiệp hãy tích cực, chủ động triển khai, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, phù hợp với điều kiện doanh nghiệp mình. Luôn sẵn sàng kịch bản, tổ chức diễn tập tình huống khi có ca F0 xuất hiện tại doanh nghiệp để có phương án khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của, bảo vệ sức khỏe và việc làm cho người lao động của doanh nghiệp mình, chung tay cùng toàn tỉnh và cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.