• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình: Triển khai hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV

Thực hiện quyết định số 5866/QĐ-BYT ngày 28/9/2018 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2018 – 2020; Được sự đồng ý của Sở Y tế Thái Bình, ngày 03/6/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã ban hành Công văn số 468/KSBT-HIV về việc Triển khai hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (tại Phòng khám Đa khoa – Trung tâm CDC), gửi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa huyện, thành phố, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, với những nội dung sau:

Cung cấp miễn phí thuốc kháng vi rút (ARV – loại 02 thành phần) cho những người chưa bị nhiễm HIV uống hằng ngày để phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cộng đồng.

Thời gian triển khai từ ngày 12/5/2020.

Địa điểm tại Phòng khám Đa khoa – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, số 10, đường Hoàng Công Chất, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình.

Đối tượng khách hàng là những người có nguy cơ cao lây nhiễm với HIV như: Nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, vợ/chồng/bạn tình (chưa bị nhiễm HIV hoặc bất cứ ai nếu có nhu cầu).

Toàn bộ kinh phí xét nghiệm, thuốc ARV trong chương trình Prep đều được miễn phí.

Chương trình PrEP đã được triển khai tại 11 tỉnh, thành trong cả nước và đạt hiệu quả tốt, thuốc ARV trong chương trình điều trị an toàn, ít có tác dụng phụ. Thông tin của khách hàng được bảo mật theo quy định của Bộ Y tế và pháp luật hiện hành.

Trung tâm CDC đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giới thiệu khách hàng đến Trung tâm CDC tỉnh Thái Bình để tham gia chương trình PrEP phòng ngừa lây nhiễm HIV cho cộng đồng (Chương trình tự nguyện nên không cần giấy giới thiệu của các đơn vị y tế).

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, xin liên hệ với cán bộ Trung tâm CDC tỉnh Thái Bình: Bs Bùi Thị Hồng Vân – Cán bộ khoa Phòng, chống HIV/AIDS, điện thoại:02273.642.344, DĐ: 0974.121.511.

PrEP là gì? Những đối tượng nào cần điều trị PrEP?

PrEP – là viết tắt của từ tiếng Anh (Pre-Exposure Prophylaxis), có nghĩa là dự phòng trước phơi nhiễm HIV, và điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng virút (ARV) đối với người chưa nhiễm HIV để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Đối tượng sử dụng của PrEP là tất cả những người chưa nhiễm HIV; những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV như: Người nam có quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma tuý, người chuyển giới nữ, người bán dâm, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị nhưng tải lượng vi rút HIV trên 200 bản sao/ml, chưa đạt mức ức chế và những người tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV sau điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV.

Điều trị PrEP có những lợi ích gì?

Các nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV.

PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao vi rút mới. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc-xin HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó cũng là một cách đơn giản có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên Thế giới.

 

          Nguyễn Hiệu

 


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB