• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cả nước ghi nhận 22 ca tử vong do bệnh Dại chỉ trong 02 tháng đầu năm

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, chỉ trong 02 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh Dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh Dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong.

Không chỉ tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh Dại là bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật Dại hoặc nghi Dại cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin Dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh Dại.

Bệnh Dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh Dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị Dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Điều đáng nói là từ năm 2022 đến nay, bệnh Dại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 10-15 ngày), trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh Dại là người bị động vật nghi Dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng Dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Ngoài ra, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ tiêm vắc xin phòng Dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; thậm chí có nơi chỉ đạt khoảng 10%.

Trước thực tế trên, các chuyên gia y tế nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh Dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện nay, bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, 100% người mắc bệnh Dại sẽ tử vong khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn xem nhẹ bệnh Dại, hiểu sai về tác dụng phụ của vắc xin phòng Dại, không tiêm phòng ngay cả khi bị chó, mèo, động vật cắn, dẫn đến những cái chết đau đớn và thương tâm.

Do đó, khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, người dân nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy kết hợp với xà phòng liên tục trong 15 phút, sau đó rửa sạch vết thương với cồn 70 độ C, cồn i-ốt hoặc nước muối pha đặc. Người dân không nên cố gắng nặn máu, nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn tiêm vắc xin phòng Dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.

Ngày 20/02/2024, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế đã có Công văn số 189/VSDTTƯ-BTN, đề nghị các tỉnh thực hiện như sau:

          Tăng cường rà soát việc xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại theo chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2022-2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2022.

          Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh Dại đầy đủ cho người bị động vật cắn; đảm bảo đủ vắc xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng. Triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống. Nâng cao năng lực hệ thống phòng chống bệnh Dại cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng Dại cho người. Chia sẻ thông tin, phối hợp với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch Dại hoặc nghi Dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh Dại sang người.

          Ngành Y tế phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn cho mọi người, nhất là trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn để đến cơ sở y tế xử trí kịp thời, không để xảy ra tử vong đáng tiếc.Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại./.


Tác giả: Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết