Các biện pháp phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết tại cộng đồng
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti, bệnh có khả năng tạo thành dịch. Sốt xuất huyết nguy hiểm bởi các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh tương tự, diễn biến nhanh, khó lường với các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết, trụy mạch, tổn thương đa tạng và có thể gây tử vong.
Người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh Sốt xuất huyết như sau:
1. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào để trứng. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy. Thường xuyên thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ và đậy kín nắp bể. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng. Thả muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh.
2. Phòng chống muỗi đốt:
Ngoài việc loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, người dân cần áp dụng thêm các phương pháp phòng muỗi đốt như ngủ mắc màn, mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Dùng rèm màn che các cửa sổ, nên cho người bệnh nằm trong màn tránh muỗi đốt để hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác. Sử dụng bình xịt muỗi, hương muỗi keo xua muỗi, vợt điện diệt muỗi.
3. Vệ sinh môi trường và phối hợp với y tế cơ sở phun hóa chất
Phun hóa chất, vệ sinh môi trường tham gia các chiến dịch diệt bọ gậy loăng quăng và các đợt pha hóa chất phòng chống dịch. Phun thuốc diệt muỗi là phun một lượng hóa chất hợp lý theo hướng dẫn của cơ quan y tế và nhà sản xuất, nên thường người dân không lo ngại về việc thuốc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong quá trình phun thuốc nếu không chú ý đến liều lượng hoặc phun không đúng quy trình có thể không diệt được muỗi hay thậm chí gây dị ứng cho người tiếp xúc. Để đảm bảo an toàn khi phun thuốc diệt muỗi, người dân đầu tiên cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và khuyến cáo Bộ Y tế. Nếu phun thuốc tại nơi nhiều trẻ nhỏ chỉ nên phun lên tường, hộc tủ, góc nhà không phun lên các bề mặt như bàn ghế, đồ chơi mà trẻ có thể dễ dàng tiếp xúc.
Giám sát vector bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết tại phường Trần Lãm
và Tiền Phong, Thành phố Thái Bình
4. Tăng cường sức đề kháng và tiêm phòng
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Tập luyện thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao hệ miễn dịch. Bên cạnh đó người dân nên tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở tiêm chủng gần nhất.
5. Khi bị sốt
Khuyến cáo người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị không tự ý điều trị tại nhà.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp trên sẽ giúp bạn và cộng đồng giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ cho bạn và cộng đồng.