• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Thời gian qua, việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (viết tắt là ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương người lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm triển khai có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động  trên địa bàn, thực hiện Công văn số 1267/UBND-NCKS ngày 02/4/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, Sở Nội vụ ban hành Công văn số 1402/SNV-LĐVL đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố phối hợp thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Theo đó, Sở Nội vụ đề nghị các sở, ban, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; Kế hoạch số 264-KH/TU ngày 03/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới; Chương trình hành động số 03/CTHĐ-UBND ngày 05/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình triển khai Kế hoạch số 264-KH/TU ngày 03/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 19/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của sở, ngành chức năng về công tác ATVSLĐ. Tăng cường vai trò trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo thực hiện công tác ATVSLĐ.

Ngoài ra, bố trí nguồn lực của ngành, địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ đến người sử dụng lao động và người lao động thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, đặc biệt là lao động làm việc trong khu vực phi chính thức (lao động làm việc không theo hợp đồng lao động); tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Chỉ đạo rà soát, thống kê, tổng hợp những hộ kinh doanh phi chính thức đang sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ thuộc phạm vi và địa bàn quản lý để phối hợp hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành sử dụng.

Thường xuyên phối hợp thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ đối với doanh nghiệp, đơn vị thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Chỉ đạo phòng chuyên môn của sở, ngành và huyện, thành phố phối hợp cùng chính quyền cơ sở nắm chắc tình hình thực hiện pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn (bao gồm cả làng, hộ kinh doanh cá thể), nhất là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vi phạm quy định về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý của địa phương, cương quyết dừng sản xuất, thi công đối với những nơi không thực hiện đầy đủ biện pháp đảm bảo ATVSLĐ. Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả công tác ATVSLĐ về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ. Sở Nội vụ đề nghị các sở, ngành ở tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ (đồng chí Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Trưởng phòng Lao động - Việc làm, điện thoại 0982.334.555) để tổng hợp./.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết