• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo bệnh đột quỵ có xu hướng trẻ hoá

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Đột quỵ là bệnh do rối loạn lưu thông dòng máu lên não một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn phế, tử vong, để lại cho người bệnh, gia đình và xã hội những hậu quả nặng nề. Khoảng 30 - 50% người bệnh dù được cứu sống nhưng không thể có lại khả năng độc lập về chức năng và 15 - 30% trong tổng số người bệnh đột quỵ để lại di chứng bị khiếm khuyết vĩnh viễn. Theo báo cáo của Hội Đột quỵ Thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó, hơn 16% số ca xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Hiện có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18-50. Đáng chú ý, tỉ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc căn bệnh này, đang tăng trung bình 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ. Đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng ngày càng gia tăng, ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi mắc đột quỵ đều tăng từ 20-25. 76% người bệnh nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát của bệnh, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết bệnh.

 Các loại đột quỵ não: Có 02 loại đột quỵ não:

Một là, đột quỵ thiếu máu cục bộ do sự tắc nghẽn lưu thông mạch máu đến não, gặp trên 80%.

Hai là, xuất huyết não do các mạch máu não bị tổn thương, máu tràn ra qua các chỗ tổn thương gây tụ máu trong não, gặp trên 10% các trường hợp bệnh.

Nguyên nhân gây đột quỵ não

Đột quỵ thiếu máu cục bộ do tắc nghẽn mạch máu lưu thông tới não thường do huyết khối ở các mạch máu nơi khác đến não hoặc tắc nghẽn tại não do xơ vữa mạch não tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành cục máu đông

Đột quỵ xuất huyết não nguyên nhân do xơ vữa mạch não gây giảm đàn hôi mạch máu não gây vỡ mạch máu não gây chảy máu trong não.

Các yếu tố làm gia tăng ca đột quỵ và trẻ hoá thường là xơ vữa mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì,…nhưng không được kiểm soát.

Nguyên nhân do lối sống sinh hoạt không lành mạnh, trong đó thói quen về sinh hoạt, ăn uống, ít vận động; hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng ma túy; thức khuya nhiều, stress nặng...làm tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng cao.

Các dấu hiệu của đột quỵ não như bệnh nhân có thể có như đột ngột ngã quỵ, méo miệng, nuốt khó, nói khó, nói ngọng, liệt mặt, liệt nửa người, hôn mê…Một số bệnh nhân sau khi điều trị phục hồi vẫn để lại các di chứng liệt nửa người, nói ngọng, giảm trí nhớ...

Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ não: Là khoảng thời gian sớm nhất người bệnh tiếp cận với phương án điều trị tối ưu (dưới 4,5 giờ - 6 giờ) để có thể giữ mạng sống, giảm biến chứng, di chứng, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Cứ 1 phút trôi qua sau đột quỵ có thể làm chết 2 triệu tế bào não không hồi phục, tương đương với 14 tỷ synap thần kinh tổn thương, 12 km sợi trục bị tổn thương.

Đối với bệnh nhân thiếu máu cục bộ não cần điều trị tiêu sợi huyết thì thời gian vàng dưới 4,5 giờ. Với bệnh nhân cần điều trị can thiệp mạch não thì thời gian vàng dưới 6 giờ, số ít bệnh nhân có thể đến 24 giờ, tuy nhiên người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm, càng tốt để can thiệp kỹ thuật cấp cứu, điều trị hiệu quả.

Thực tế, tại các bệnh viện, chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong "thời gian vàng". Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều người vẫn tin các kinh nghiệm truyền miệng, sơ cứu sai như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, rồi cho người bệnh dùng các loại thuốc an cung, thuốc gia truyền, bỏ qua "thời gian vàng" đến bệnh viện, dẫn đến tình trạng bệnh tiến triển nặng, để lại các di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống.

    Để phòng đột quỵ ở người cao tuổi và người trẻ, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần thực hiện:

- Thường xuyên tập luyện, vận động phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe.

- Xây dựng thói quen ăn uống khoa học, kiểm soát cân nặng, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia.

- Khám sức khỏe định kỳ 3,6 tháng/lần để tầm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: xơ vữa mạch máu, bệnh tim mạch, huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường… và làm các xét nghiệm sàng lọc nguy cơ đột quỵ não.

- Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…) cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất, nhất là Khoa Hồi sức cấp cứu hoặc Trung tâm điều trị đột quỵ để được xử lý kịp thời.

- Không uống thuốc gia truyền, đông y và các loại thuốc khác...khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh làm sặc vào đường thở người bệnh hoặc làm tăng rối loạn đông máu, cầm máu của người bệnh làm nặng bệnh.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết