• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế độ ăn và lối sống lành mạnh cho người bệnh gout

Bệnh Gout - một trong những bệnh lý phổ biến liên quan đến rối loạn chuyển hóa gây ra những cơn đau khớp khó chịu, thậm chí biến chứng gây cứng khớp, hạn chế vận động,...ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, thực hiện một số thay đổi đơn giản về chế độ ăn uống, sinh hoạt và thói quen hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.

Gout là căn bệnh viêm khớp gây ra do hàm lượng axit uric máu cao dẫn tới lắng đọng tinh thể urat tại khớp và các mô mềm cạnh khớp, tim, thận. Biểu hiện lâm sàng là các đợt khớp viêm, sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội. Khi bị Gout, người bệnh cần thay đổi lối sống, có chế độ ăn uống phù hợp cùng với sử dụng thuốc theo hướng dẫn của Thầy thuốc giúp hạn chế những triệu chứng bệnh, giảm những cơn đau do Gout gây ra.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động khi mắc bệnh Gout

  • Không ăn thực phẩm giàu purin: Bổ sung sai thực phẩm sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng thêm. Vì thế, người bệnh cần tránh các thực phẩm giàu purin như đậu xanh, thịt, cá mòi, cá thu, sò, ốc… Thực phẩm giàu purin sẽ làm tăng hàm lượng axit uric máu, làm tình triệu chứng bệnh Gout nhanh chóng trở nặng.
  • Tránh carbohydrate tinh chế: Người bệnh không nên dùng bánh mì trắng, bánh quy những loại nước trái cây nhân tạo và đồ uống có ga. Vì các thực phẩm này chứa rất nhiều fructose. Fructose sẽ làm tăng đáng kể hàm lượng axit uric trong máu.
  • Ưu tiên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Các loại trái cây như nho, thơm, anh đào, tắc… sẽ giúp cơ thể loại bỏ axit uric, phòng ngừa viêm khớp. Trong đó, quả anh đào có thể giúp người bệnh giảm nguy cơ bị những đợt Gout tấn công, đặc biệt khi được dùng cùng thuốc hạ Axit Uric allopurinol.

  1. Uống nhiều nước

Nước giúp cơ thể loại bỏ axit uric dư thừa bằng cách tăng thải ra ngoài theo đường nước tiểu, nhờ đó ngăn ngừa các cơn gout. Nước cũng ngăn chặn không cho axit uric lắng đọng thành các tinh thể muối. Mỗi ngày nên uống ít nhất 2 lít nước và uống nhiều nước hơn sau khi vận động nhiều.Người bệnh tốt nhất nên uống nước lọc. Ngoài ra, cũng có thể dùng các loại thức uống như nước thơm, nước anh đào, trà gừng, nước táo…

  1. Kiểm soát cân nặng

Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh Gout, vì vậy, duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn. Nếu đang bị tăng cân, người bệnh cần cố gắng giảm cân càng sớm càng tốt thông qua chế độ ăn uống và tập luyện. Tuy nhiên, người bệnh không nên áp dụng chế độ ăn uống quá khắc nghiệt. Điều này sẽ làm phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, làm tăng lượng axit uric, khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

  1. Không hút thuốc lá và đồ uống có cồn

Thuốc lá và thức uống có cồn đều khiến triệu chứng bệnh trở nặng rất nhanh. Hút thuốc sẽ cản trở quá trình trao đổi chất của cơ thể. Trong khi, cồn trong rượu bia, nhất là rượu vang có thể làm tăng axit uric trong máu lên cao. Sử dụng nhiều đồ uống có cồn còn có thể dẫn đến tình trạng tích tụ dịch.

  1. Chế độ vận động, thay đổi lối sống

Ngoài chế độ ăn uống, có một số thay đổi lối sống có thể giúp người bị bệnh gout giảm nguy cơ mắc bệnh Gout và các cơn đau Gout:

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức chịu đựng mà còn giúp ngăn ngừa các cơn gout. Hoạt động thể chất giúp duy trì cân nặng hợp lý và giữ cho axit uric ở mức thấp.

     Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ khiến bệnh Gout bùng phát, làm triệu chứng bệnh trở nặng nhanh chóng. Trong cuộc sống, người bệnh khó tránh khỏi nhiều áp lực, do đó mỗi người cần kiểm soát tinh thần bằng những kỹ thuật như thiền, hít thở sâu, tập Yoga… Lời khuyên cho người bệnh Gout là nên giữ tinh thần thoải mái để chung sống hòa bình với bệnh, gia tăng tuổi thọ cho mình.

Người bệnh cần tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi hàm lượng axit uric chặt chẽ. Hàm lượng axit uric lý tưởng là dưới 6mg/dl đối với trường hợp bệnh nhân chưa có hạt tophi, dưới 5mg/dl với bệnh nhân đã có hạt tophi. Một số trường hợp bệnh nặng sẽ được bác sĩ khuyến khích dùng thuốc thường xuyên để kiểm soát hàm lượng Axit uric.

Người bị bệnh Gout cần phải ngủ đủ giấc vì chất lượng giấc ngủ sẽ giúp kiểm soát tốt tâm trạng, ngăn ngừa bị stress rất tốt.

Có thể giảm các cơn đau do Gout nhờ việc ngâm chân vào chậu nước ấm, đây là các cách an toàn, hiệu quả nhằm giảm cơn đau Gout nhanh chóng. Cách giảm đau Gout cấp này sẽ giúp thúc đẩy tinh thể axit uric hòa tan và đào thải ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, khớp sẽ được thư giãn, giảm cơn đau Gout hiệu quả. Người bệnh có thể ngâm chân vào buổi tối trước khi ngủ, mỗi lần khoảng 20 phút.

Người bệnh Gout nên giữ cho vị trí khớp sưng được thoáng mát, khi nằm trên giường cần nâng chân cao bằng cách kê dưới gối một chiếc gối. Các thao tác này sẽ giúp tăng cường sự lưu thông của máu, mang lại sự thoải mái.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết