• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lớn, đặc biệt là người có bệnh nền: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp

Trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, việc tiêm vaccine không chỉ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả mà còn là trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Đối tượng người lớn – nhất là người cao tuổi và những người có bệnh lý nền – cần được ưu tiên trong các chương trình tiêm chủng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Đây là một chiến lược y tế quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm tải cho hệ thống y tế.

 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp, rối loạn thần kinh và tâm thần là những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Tại Việt Nam, mỗi người cao tuổi trung bình mắc từ 3 đến 4 bệnh lý nền, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Trong khi đó, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với người cao tuổi như cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, zona và COVID-19 hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vaccine.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới. Tính đến đầu năm 2025, cả nước đã triển khai gần 209 triệu liều vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 100%, mũi 3 đạt trên 51%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại (từ mũi 4 trở đi) vẫn còn thấp, nhất là ở nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền – nhóm có nguy cơ cao nhất khi nhiễm virus.

Không chỉ riêng vaccine COVID-19, nhiều loại vaccine thiết yếu khác như cúm mùa, phế cầu, viêm gan B... cũng chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng như mong đợi ở người trưởng thành. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu thông tin, tâm lý chủ quan, hoặc lo ngại về phản ứng phụ sau tiêm.

Để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao, Ngành Y tế cần phối hợp tốt với các ngành liên quan thực hiện các giải pháp sau:

- Tích hợp tiêm chủng vào quy trình khám chữa bệnh thường quy: Việc lồng ghép hoạt động tiêm chủng vào chăm sóc y tế ban đầu sẽ giúp quản lý người bệnh hiệu quả hơn, đặc biệt là trong các trường hợp có bệnh nền nhằm giảm biến chứng, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của tiêm vaccine, nhất là ở người lớn tuổi, những người có hệ miễn dịch suy giảm và dễ bị tổn thương trước dịch bệnh.

- Phát triển hệ thống tiêm chủng linh hoạt, thuận tiện: Mở rộng mạng lưới tiêm chủng, bao gồm cả cơ sở y tế công lập và tư nhân, để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ ngay từ tuyến cơ sở.

Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch cho người lớn – đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền giúp phòng bệnh hiệu quả cho cá nhân  và tạo “lá chắn” bảo vệ cộng đồng, giảm gánh nặng cho ngành y tế và xã hội. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong bối cảnh già hóa dân số và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại dịch bệnh mới.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết