• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

F1 âm tính lần 1, F2 đừng vội mừng vì nghĩ đã an toàn

Theo các nhà chuyên môn, đợt dịch COVID-19 thứ 4 rất phức tạp do số lượng ca bệnh trong cộng đồng lớn, nhiều ổ dịch, một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây, vì vậy để giảm nguy cơ lây nhiễm người dân nên hạn chế đi lại.

Hiện nay, số ca mắc trong cộng đồng nhiều nên số lượng F1 cách ly tập trung và F2 cách ly tại nhà là rất lớn.

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam về việc F1 âm tính lần 1, F2 đã an toàn hay chưa?

Vị chuyên gia dịch tễ khẳng định, F1 có kết quả âm tính lần 1 không ít người đã chủ quan cho rằng đã an toàn. F1 chỉ an toàn khi đã có đủ 3 lần xét nghiệm âm tính và đủ 14 ngày cách ly (hiện Việt Nam đã nâng lên 21 ngày).

Virus SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh từ 01-14 ngày, thông thường thời gian phát bệnh là từ 05-08 ngày. Vì vậy, nếu F1 mới tiếp xúc với F0, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian ủ bệnh, tải lượng virus chưa đủ để phát hiện qua xét nghiệm.

Do vậy, lúc này F1 xét nghiệm sẽ cho kết quả âm tính. Khi lượng virus phát triển nhân lên trong cơ thể với số lượng lớn đủ để gây bệnh, lúc đó xét nghiệm bệnh nhân sẽ dương tính.

 

Khả năng thứ 2 có thể xảy ra, đó là F1 nhiễm virus nhưng có sức đề kháng tốt vì vậy virus chưa có cơ hội nhân lên trong cơ thể cho nên xét nghiệm có thể âm tính lần 1, lần 2. Nhưng khi xét nghiệm lần 3 lại cho kết quả dương tính, đây là điều rất bình thường.

"Trên thực tế Việt Nam đã yêu cầu cách ly tập trung bắt buộc với các trường hợp F1 trong 21 ngày. Bởi vì, để F1 ngoài cộng đồng nguy cơ trở thành ổ dịch khi trở thành F0 rất cao. Do vậy F1 mới âm tính lần 1, F2 đừng vội ăn mừng đi tung tăng khắp nơi". PGS.Huy Nga nói.

Đối với F2, Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay phải tự cách ly tại nhà trong 21 ngày hạn chế tiếp xúc.

Trước câu hỏi vì sao có trường hợp F1 âm tính, F2 dương tính, PGS.Huy Nga lý giải sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

Trường hợp thứ nhất, người nhiễm virus đã mắc bệnh và khỏi do vậy khi xét nghiệm sẽ không tìm thấy virus, kết quả xét nghiệm sẽ âm tính. Trường hợp này, nếu muốn khẳng định có nhiễm hay chưa thì cần phải xét nghiệm lại kháng thể.

Trường hợp thứ 2, do dịch bệnh đang ở trong cộng đồng vì vậy bất cứ ai cũng có thể là F0, F1. Do vậy rất có thể trường hợp F2 này có thể bị lây bệnh từ 1 ổ dịch khác chứ không phải ổ dịch F1 được xác định đã tiếp xúc trước đó.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, chuyên gia lưu ý cách phòng bệnh duy nhất hiện nay là hạn chế đi lại, tuân thủ thực hiện 5K một cách nghiêm túc.


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết