• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưng Hà ghi nhận chùm ca bệnh Thuỷ đậu tại trường Mầm non xã Tiến Đức

Hiện nay, thời tiết mưa ẩm kéo dài tạo điều kiện cho các bệnh dịch truyền nhiễm phát triển. Qua giám sát tại trường Mầm non Trần Thái Tông (xã Tiến Đức-huyện Hưng Hà) đã ghi nhận chùm ca bệnh Thủy đậu, đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Thủy đậu và dịch bệnh mùa Xuân - Hè trên địa bàn huyện Hưng Hà,Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Thủy đậu và dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn huyện.

Cụ thể, yêu cầu các xã, thị trấn, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Xuân - Hè, đặc biệt là bệnh Thủy đậu để ứng phó và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thực hiện tốt công tác phối hợp với Trung tâm y tế huyện thường xuyên thông tin khi có học sinh nghỉ học bất thường liên quan đến sức khỏe hoặc phát hiện có học sinh nghi mắc bệnh truyền nhiễm. Tổ chức làm tốt công tác vệ sinh môi trường lớp học, vật dụng sinh hoạt hàng ngày; Tăng cường tổ chức các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về các biện pháp phòng chống dịch bệnh .

Các xã, thị trấn thường xuyên triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; Chủ động thực hiện phương án bốn tại chỗ để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm lây lan trên địa bàn; Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm báo cáo kịp thời các ca nghi nhiễm mắc bệnh truyền nhiễm để có biện pháp xử trí, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; Rà soát trang thiết bị, hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm,đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra.

Bệnh thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em dễ mắc bệnh nhất. Khi mắc thủy đậu trẻ sẽ rất ngứa và khó chịu, tổn thương nhiều ở da, đặc biệt là vùng miệng làm trẻ khó ăn, khiến cha mẹ rất lo lắng.

Khi mắc bệnh thủy đậu, nếu chăm sóc không tốt sẽ có những biến chứng nguy hiểm. Trong đó có thể gây biến chứng như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, mặc dù ít khi xảy ra nhưng nếu trẻ bị biến chứng viêm phổi do thủy đậu thì rất nặng và rất khó điều trị. Viêm não sau thủy đậu ở trẻ có thể mang di chứng thần kinh lâu dài như: Bị điếc, chậm phát triển, động kinh…

Để trẻ phòng ngừa bệnh thủy đậu, cha mẹ nên cho trẻ tiêm chủng vaccine thủy đậu và các mũi vaccine khác để có sự đề kháng tốt nhất. Vaccine thủy đậu được khuyến cáo tiêm như sau:

- Trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 – 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh.

- Trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều, cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.

Ngoài ra, để tránh lây lan cần đảm bảo cho trẻ và người chăm sóc trẻ vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng, hướng dẫn trẻ không đưa tay lên mắt mũi miệng. Khi nhà có trẻ bị bệnh, nên hạn chế tiếp xúc gần như ôm hôn, không dùng chung dụng cụ và thức ăn chung với trẻ khác. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi mụn nước khô đóng vẩy, tránh lây nhiễm cho bạn học, cần vệ sinh đồ dùng, bề mặt trẻ hay chạm vào để làm sạch virus gây bệnh./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết