Phòng ngừa viêm đường hô hấp trên cho trẻ khi thời tiết giao mùa Xuân Hè
Thời tiết giao mùa Xuân Hè, nồm ẩm là lúc trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên. Viêm đường hô hấp trên bao gồm: viêm mũi, viêm mũi họng, viêm họng, viêm tai giữa,…Viêm hô hấp trên có thể tự khỏi hoặc phải điều trị hoặc có thể tiến triển thành viêm đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi). Đường hô hấp trên là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với các bất lợi từ môi trường, kể cả vi khuẩn, nấm mốc... do đó nó vô cùng nhạy cảm và dễ nhiễm bệnh.
Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên có thể gây ra bởi virus, vi khuẩn, bụi, khí độc, nấm mốc... Bệnh thường khởi phát bởi một loại virus trước đó, sau đó bội nhiễm vi khuẩn gây nên tình trạng viêm họng và nhiễm trùng đường hô hấp trên. Ngoài ra, vẫn có một số yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng xâm nhập của virus, vi khuẩn gây bệnh như:
Lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ: trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 01 tuổi, trẻ sinh non tháng, trẻ suy dinh dưỡng, còi xương hoặc trẻ bị suy giảm miễn dịch.
Môi trường sống: Trẻ sống trong môi trường ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém, trẻ nằm phòng điều hòa với nhiệt độ thấp khiến mũi họng bị khô dẫn đến viêm.Nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em sẽ càng tăng cao hơn khi thời tiết thay đổi.
Dấu hiệu viêm đường hô hấp trên
Nếu trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên như: Ho; Sốt; Hắt hơi sổ mũi; Đau tai, chảy mủ tai..., kèm theo kém ăn, mệt mỏi, li bì..., cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường ở trẻ như:
- Trẻ sốt cao, co giật. Sốt là phản ứng nhằm bảo vệ cơ thể. Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ và co giật cha mẹ cần biết đây là cảnh báo nguy hiểm. Việc co giật lúc này rất khó để phân biệt giữa nguyên nhân sốt cao hay viêm màng não. Nếu để tình trạng co giật lặp đi lặp lại sẽ dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng như rối loạn tâm thần phát triển, động kinh...
- Nôn nhiều.
- Toàn thân có biểu hiện: li bì, mệt khó đánh thức, không chịu ăn uống.
- Trẻ sốt từ 03 ngày trở lên, cho uống thuốc hạ sốt mà không có dấu hiệu giảm sốt.
Tính chất nguy hiểm nếu bệnh tăng nặng
Hiện nay, trong khi thời tiết giao mùa, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn còn chủ quan với bệnh vì nghĩ rằng đây là bệnh đơn giản, không đáng ngại. Tuy nhiên, viêm đường hô hấp trên ở trẻ không chỉ dừng lại ở các vấn đề như viêm phế quản, viêm phổi, mà nguy hiểm hơn khi trẻ bị suy hô hấp, tắc đường thở dẫn đến tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.
Phòng viêm đường hô hấp trên cho trẻ khi giao mùa Xuân Hè
Để phòng các bệnh đường hô hấp cho trẻ khi thời tiết thất thường, giao mùa, cha mẹ cần lưu ý như sau:
- Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi ra ngoài, vệ sinh mũi họng và toàn thân hàng ngày.
- Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, hạn chế tới nơi đông người. Với trẻ dưới 02 tuổi cha mẹ có thể xem xét việc đeo khẩu trang vì khi có dịch mũi chảy ra có thể làm trẻ nhiễm khuẩn thêm.
- Cha mẹ, người thân trong gia đình cũng cần rửa tay và vệ sinh mũi họng trước khi tiếp xúc với trẻ để hạn chế nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài.
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ vắc xin trong độ tuổi tiêm chủng, ngoài ra chú ý tiêm phòng: phế cầu, cúm, thuỷ đậu…
Một số lưu ý:
- Cha mẹ không dùng lại đơn thuốc cũ của lần trước hoặc sử dụng đơn thuốc của bệnh nhân khác. Không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ dẫn tới nhờn kháng sinh, không lạm dụng thuốc Corticoid vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng…
- Cha mẹ cần hết sức bình tĩnh khi trẻ có những dấu hiệu viêm đường hô hấp trên và tập trung vào việc điều trị triệu chứng như:
+ Trẻ sốt trên 38,5 độ cần dùng thuốc hạ sốt.
+ Trẻ bị tắc mũi hoặc sổ mũi dẫn đến việc quấy khóc, ít ăn, thở bằng mồm gây sút cân, trẻ sẽ bị thiếu nước, đờm trong mũi họng đặc lại gây tắc đường thở. Cha mẹ cần rửa mũi cho trẻ từ 2-3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý, đồng thời cho trẻ uống nhiều nước.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng dễ hấp thu, chia nhỏ bữa ăn cho trẻ.
- Nếu trẻ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp, cần tránh tiếp xúc với các trẻ em khác.
- Không cho trẻ xịt mũi bằng kháng sinh hoặc Corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ.