Hướng dẫn phòng một số bệnh thường gặp sau bão lụt
Sau bão lụt, trong cộng đồng thường gia tăng một số bệnh: ngoài da, đường tiêu hoá, đường hô hấp, bệnh do véc tơ truyền… và một số dịch bệnh như: tiêu chảy cấp, tả, lỵ, thương hàn, cúm...do môi trường, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên trân trọng Hướng dẫn cách phòng một số bệnh thường gặp sau bão lụt như sau:
1.Phòng bệnh Đau mắt đỏ
- Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn.
- Tra thuốc nhỏ mắt (Cloramphenicol 0,4% với người lớn hoặc Argirol 1% với trẻ em) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
- Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa.
2. Phòng bệnh ngoài da
- Vệ sinh cá nhân bằng nước sạch.
- Không mặc quần áo ẩm ướt.
- Hạn chế lội vào chỗ nước tù đọng, nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch, lau khô, nhất là các kẽ ngón chân, tay.
3. Phòng bệnh đường tiêu hóa và bệnh do véc tơ truyền
- Thực hiện đúng nguyên tắc “Ăn chín, uống chín”, không ăn thức ăn bị ôi thiu.
- Đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Nếu không có đủ nước sạch, cần dùng nước sông, nước giếng… phải được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Thu gom rác thải, xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác súc vật chết.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
- Diệt muỗi, bọ gậy, ruồi, gián, chuột...
- Ngủ màn để chống muỗi đốt.
4. Phòng bệnh đường hô hấp
- Không nằm điều hòa quá lạnh, giữ ấm cơ thể, không mặc quần áo ẩm ướt.
- Súc miệng, họng, rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn mũi họng khác...
5. Để phòng, chống một số bệnh hay gặp và dịch bệnh sau bão lũ, Ngành Y tế Hưng Yên khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
1.Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; Ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước quanh nhà; Không dùng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân.
2.Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, uống đủ nước: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng, đảm bảo uống đủ nước (nước lọc hoặc nước ép trái cây tự nhiên), hạn chế sử dụng nước đá, đồ uống có ga...
3.Bảo đảm an toàn thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, không sử dụng thực phẩm ôi thiu hoặc để lâu ngoài môi trường.
4. Uống hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh khi có chỉ định của cán bộ y tế.
5. Người mắc bệnh nền cần tuân thủ phác đồ điều trị và khám sức khỏe định kỳ.
6.Người dân khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.