• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh tiểu đường

Bệnh Tiểu đường hay Đái tháo đường(ĐTĐ) là bệnh do tình trạng tăng đường huyết mạn tính đặc trưng bởi những rối loạn chuyển hóa Carbohydrat, có kèm theo rối loạn chuyển hóa Lipid và Protein.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới  năm 1998, chẩn đoán xác định ĐTĐ khi đường huyết (Glucose máu) lúc đói≥1,26g/l hay ≥ 7,0 mmol/l (xét nghiệm ít nhất 02 lần).

Bên cạnh việc tuân thủ điều trị, chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò then chốt giúp người bệnh duy trì mức đường huyết ổn định, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim; Mù lòa, suy thận; Loét, hoại tử chân...

Người bệnh ĐTĐ cần thực hiện chế độ dinh dưỡng như sau:

 

  1. Ăn đủ - đúng - cân đối - đa dạng thực phẩm: Người bệnh không cần kiêng tuyệt đối bất kỳ thực phẩm nào mà cần ăn đủ dưỡng chất với tỷ lệ hợp lý:

Chất tinh bột: Chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, khoai lang…tốt hơn là gạo trắng, bánh mì..

           Chất đạm: Ưu tiên đạm thực vật (đậu phụ, các loại hạt), thịt nạc, cá, trứng, sữa…

    Chất béo: Ăn cả mỡ động vật (lợn, gà…) và dầu thực vật như dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, đậu nành.

Chất xơ: Tăng cường rau xanh và các loại trái cây ít đường như thanh long, táo, bưởi, ổi…có tính thanh mát nhẹ.

  1. Hạn chế thực phẩm gây tăng đường huyết nhanh

         Tránh đồ uống có đường, nước ngọt, bánh kẹo ngọt.

          Hạn chế ăn quá nhiều trái cây ngọt như: mít, sầu riêng, xoài chín, nhãn, vải, na...

         Tránh các món chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh.

     3.Ăn đúng giờ, chia nhỏ bữa ăn

         Người bệnh ĐTĐ nên ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ mỗi ngày, không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp tránh tăng đường huyết sau ăn và giảm nguy cơ hạ đường huyết đột ngột. Quá trình ăn chậm, nhai kỹ  và không ăn quá no tránh gây tăng đường huyết đột ngột.

     4. Kiểm soát cân nặng: Người thừa cân béo phì cần giảm cân từ từ kết hợp tập thể dục. Người gầy có thể ăn thêm nhiều bữa phụ và bổ sung thêm chất đạm, chất béo…

      5.Uống đủ nước, hạn chế rượu bia: Người bệnh ĐTĐ cần uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày, tránh đồ uống có cồn, rượu bia vì có thể có thể gây hạ đường huyết nguy hiểm, đặc biệt khi đói bụng.

      6. Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 mà còn làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh, đặc biệt là các vấn đề tim mạch và mạch máu. 

        Một chế độ ăn hợp lý kết hợp với luyện tập đều đặn và tuân thủ điều trị giúp người bệnh ĐTĐ sống khỏe mạnh,  giúp ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh ĐTĐ cần khám sức khỏe định kỳ hàng tháng, uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ, thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của  bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân./.


Tác giả: Đoàn Huê
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết