Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7/2024
Ngày 18/6/2024, Cục Dân số ban hành Công văn số 588/CDS-TTGD về nội dung định hướng hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7 và Sở Y tế Thái Bình ban hành Công văn số 1185/SYT-NVY ngày 24/6/2024 về việc triển khai công tác truyền thông, giáo dục về dân số năm 2024.
Mục đích, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, sự tham gia phối hợp của ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân thực hiện chính sách Dân số. Tuyên truyền về những cơ hội, thách thức của Dân số toàn cầu và tại Việt Nam, các nội dung ưu tiên và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các nội dung và hoạt động, đảm bảo tiết kiệm, lồng ghép hiệu quả với các hoạt động truyền thông khác tại địa phương, cơ sở. Căn cứ đặc điểm và tình hình thực tế, địa phương xác định những nội dung ưu tiên; lựa chọn hình thức triển khai như: mít tinh, diễu hành, toạ đàm, hội thảo, hội nghị; sản xuất các sản phẩm truyền thông mẫu; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet và tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép và cung cấp dịch vụ phù hợp với từng sự kiện.
Chủ đề năm 2024 là kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, Cairo 1994.
Những vấn đề của Dân số toàn cầu: Năm 2024, tròn 30 năm thực hiện Chương trình Hành động về Dân số và phát triển (ICPD), trên toàn cầu chưa giải quyết hiệu quả vấn đề nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ), tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản vẫn còn cao. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được liên quan đến thai sản, tương đương hơn 290 ngàn phụ nữ tử vong mỗi năm. Bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đến gần 1/3 phụ nữ trên toàn cầu, hiện mới chỉ khoảng 55% có khả năng đưa ra quyết định về sức khoẻ sinh sản và tình dục của mình. Hiện nay, một nửa dân số thế giới đang sống ở các trung tâm đô thị, đến năm 2030 sẽ là 70%. Từ năm 2022 đến 2030, nếu chúng ta chi thêm 79 tỷ USD để giải quyết vấn đề nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ và phòng tránh tử vong bà mẹ thì có thể ngăn chặn 400 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, cứu sống khoảng 1 triệu phụ nữ, mang lại 660 tỷ USD lợi ích kinh tế; nếu đầu tư khoảng 152 tỷ sẽ đảm bảo 386 triệu bé gái được đến trường, mang lại 5,1 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế.
Những vấn đề của Dân số Việt Nam: Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 cho đến nay tiếp tục duy trì xung quanh mức sinh thay thế. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số đã được cải thiện nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Một số nội dung truyền thông cho người dân:
- Lợi ích của việc sinh đủ 2 con; chuyển đổi hành vi về giới và bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
- Lợi ích và tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn cho nam/nữ thanh niên; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.
- Phổ biến các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
- Ý nghĩa, tầm quan trọng của chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người cao tuổi; các nội dung rèn luyện thân thể, phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
- Cung cấp các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù: vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất...)
Các hoạt động chủ yếu, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, lựa chọn để tổ chức một số hoạt động phù hợp như: tổ chức giao lưu, toạ đàm, lễ hưởng ứng, các cuộc thi tìm hiểu, tập huấn chuyên đề, hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm,…
Khẩu hiệu truyền thông gồm:
1. Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
3. Hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn.
4. Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khoẻ, hạnh phúc và tương lai của chính bạn.
5. Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
6. Hãy để việc sinh con trai hay con gái theo quy luật tự nhiên.
7. Tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn vì hạnh phúc mỗi cá nhân , gia đình, vì sự phồn vinh của đất nước.
8. Thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh vì tương lai nòi giống Việt.
9. Không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi.
10. Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thông tốt đẹp của dân tộc;
11. Gia đình, cộng đồng và toàn xã hội hãy chung tay chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
12. Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững.