• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng Ngày Toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (02-11-2023): Vì chất lượng giống nòi hãy sử dụng muối I-ốt

        Hưởng ứng ngày Toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (02-11-2023), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình xin cung cấp một số kiến thức về phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt I -ốt ở người.

I-ốt là gì?

I-ốt là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người. Nhưng cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp được chúng nên cần phải bổ sung I-ốt từ nguồn thức ăn bên ngoài. Trong tự nhiên, I-ốt thường có trong tảo biển, rau chân vịt và một số loại hải sản,… Tuy nhiên, nguồn cung cấp chính và chủ yếu cho con người là thông qua muối I-ốt.

Công dụng của I-ốt

Vai trò của I-ốt trong cơ thể là rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động. I-ốt tham gia tạo hormon tuyến giáp trạng T3 (tri-iodothyronin) và T4 (thyroxin) bằng các liên kết đồng hóa trị. Ngoài ra, I-ốt còn có vai trò trong việc chuyển hóa betacaroten thành vitamin A, tổng hợp protein hay hấp thụ đường trong ruột non.

Tác hại do thiếu hụt I-ốt với cơ thể con người

Ảnh hưởng tới phụ nữ có thai và trẻ em: Phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ I-ốt sẽ làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa, dễ gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu I-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Người lớn và trẻ em thiếu I-ốt dễ bị bướu cổ, thường xuyên mệt mỏi, giảm tư duy sáng tạo, giảm khả năng học tập, năng suất lao động kém. Thiếu I-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng,...

Gây bệnh bướu cổ: Thiếu I-ốt làm tuyến giáp tăng nhanh về kích thước, gây phì đại tuyến giáp hoặc bướu cổ. Đồng thời, thiếu I-ốt còn ảnh hưởng tới khả năng sản xuất hormone, gây khó khăn cho thai phụ trong việc nhai nuốt, dẫn đến suy giáp gây tăng cân, mệt mỏi, chịu lạnh kém, trầm cảm.

Gây tăng cân bất ngờ: Nếu bạn bị tăng cân bất ngờ thì đây có thể là một dấu hiệu của sự thiếu I-ốt. Không có đủ I-ốt, tuyến giáp sẽ không sản xuất đủ các hormone giúp kiểm soát tốc độ trao đổi chất, cơ thể sẽ đốt cháy ít calo hơn khi nghỉ ngơi. Điều này có nghĩa là calo từ thực phẩm bạn ăn sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo nhiều hơn.

Khiến cơ thể mệt mỏi: Hormone tuyến giáp giúp cơ thể tạo ra năng lượng. Khi nồng độ hormone tuyến giáp thấp, cơ thể không thể tạo ra nhiều năng lượng nên sẽ cảm thấy mệt mỏi và mất sức.

Rụng tóc: Hormone tuyến giáp giúp kiểm soát sự phát triển của các nang lông. Khi nồng độ hormone tuyến giáp thấp, nang lông có thể ngừng tái tạo dẫn đến tình trạng rụng tóc

Da bị khô: Hormone tuyến giáp giúp các tế bào da tái tạo, giúp cơ thể điều tiết mồ hôi. Những người có nồng độ hormone tuyến giáp thấp thường đổ mồ hôi ít hơn những người có nồng độ hormone tuyến giáp bình thường. Mồ hôi giúp da ẩm và mượt hơn nên việc không tiết mồ hôi do thiếu iot có thể khiến da khô và bong tróc.

Dễ bị lạnh: Thiếu I-ốt, nồng độ hormone tuyến giáp sẽ giảm mạnh và tốc độ trao đổi chất cũng giảm. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ tạo ra ít nhiệt hơn và bạn sẽ dễ bị lạnh hơn.

Nhịp tim thay đổi: Khi cơ thể thiếu I-ốt, tim bạn sẽ đập chậm hơn bình thường. Đặc biệt, tình trạng thiếu I-ốt nghiêm trọng sẽ làm nhịp tim chậm bất thường khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và có thể ngất.

Ảnh hưởng đến trí nhớ: Việc thiếu I-ốt có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và quá trình học tập.

Bổ sung I-ốt từ chế độ ăn hàng ngày

Do I-ốt là một vi chất mà tự cơ thể chúng ta không tổng hợp được, nên cần phải bổ sung thường xuyên qua đường ăn uống. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, một người trưởng thành cần trung bình 150 microgam I-ốt mỗi ngày, phụ nữ mang thai cần nhiều hơn là 220 microgam và phụ nữ cho con bú cần đến 290 microgam mỗi ngày. I-ốt có trong nhiều loại thực phẩm như hải sản, thịt động vật, một số loại rau ... tuy nhiên thường có hàm lượng thấp không đủ cho nhu cầu hàng ngày. Cách bổ sung I-ốt hiệu quả nhất là sử dụng muối I-ốt và các sản phẩm có chứa I-ốt như: Bột canh I-ốt, nước mắm ...

Hướng dẫn sử dụng và bảo quản muối I-ốt cho cộng đồng

Sử dụng muối I-ốt như muối thường. Dùng muối I-ốt để nấu ăn, chấm hoa quả, chấm thịt... ướp cá, ướp các loại thực phẩm, dùng muối I-ốt để muối dưa, cà và chế biến các loại thức ăn khác rất tốt.

Khi nấu ăn, có thể cho muối I-ốt vào trước, trong, sau khi nấu đều được vì hàm lượng I-ốt trộn vào muối đã được tính toán đảm bảo lượng I-ốt mất đi trong quá trình bảo quản, lưu thông và khi chế biến hoặc nấu nướng vẫn cung cấp đủ I- ốt cho cơ thể con người.

Bảo quản muối I-ốt trong hộp hay lọ kín, để ở nơi khô ráo, mát không bị ánh nắng chiếu vào muối (tránh để muối quá gần bếp lửa).

 I-ốt là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động của tuyến giáp, hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Nếu nhận thấy một số triệu chứng giống biểu hiện thiếu hụt I-ốt, chúng ta nên đến cơ sở y tế uy tín ​để được kiểm tra sức khỏe kịp thời bổ sung vi chất dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ. Vì tương lai của giống nòi toàn dân hãy sử dụng muối I-ốt và các chế phẩm có chứa I-ốt trong bữa ăn hàng ngày để phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt I -ốt, bảo vệ và nâng cao sức khỏe./.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết