• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam có hơn 22.000 người tử vong do ung thư phổi

Tại nước ta, ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong cao thứ hai, chỉ sau ung thư gan. Điều đáng nói, ung thư phổi ngày càng trẻ hóa nhưng dấu hiệu khởi phát bệnh lại mờ nhạt, khó nhận biết.

Vì vậy, có tới hơn 70% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị. Thực tế đó cho thấy, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp nâng cao tỷ lệ điều trị thành công.

Theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan), tại Việt Nam, có gần 25.000 người mắc mới và hơn 22.000 người tử vong do ung thư phổi mỗi năm. Điều đáng lo ngại là ung thư phổi không có triệu chứng đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn tiến triển, di căn và chỉ khoảng 25-30% người mắc được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Riêng tại Bệnh viện K, trung bình mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi. Tuy nhiên, tại thời điểm chẩn đoán, trên 70% ca bệnh đã tiến triển hoặc di căn. Đặc biệt, trước đây, lứa tuổi mắc ung thư phổi thường ở độ tuổi ngoài 50 thì nay đã ghi nhận nhiều người trẻ mắc ung thư phổi mới 15 tuổi, 25 tuổi. Gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá.

Trước xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa của ung thư phổi, Bộ Y tế cảnh báo khoảng cách giữa số ca mắc và tử vong do ung thư phổi rất ngắn đã minh chứng rõ nét về mức độ ác tính của loại ung thư này. Quan trọng hơn là có đến hơn 70% người bệnh đi khám khi đã ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm, chỉ cần phẫu thuật với chi phí điều trị thấp, bệnh nhân tăng cơ hội sống. Nhưng nếu phát hiện từ giai đoạn 2 trở đi, phải điều trị kết hợp thuốc, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị với chi phí tăng gấp bội.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư phổi, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) đã phát động chiến dịch truyền thông “Thương phổi” kéo dài 3 năm (2023-2026). Với sự tiến bộ của y học, ung thư sẽ không khó chữa nếu phát hiện sớm, kể cả ung phổi. Điều quan trọng là khám sàng lọc, phát hiện sớm. Do đó, chiến dịch “Thương phổi” mong muốn truyền tải đến người dân về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi.

Các bác sỹ lưu ý, khi có các dấu hiệu như: Ho kéo dài, đau tức ngực, khàn giọng kéo dài, thở khò khè, khó thở, cân nặng giảm bất thường…, nhất là với những người hút thuốc lá, có người thân mắc ung thư phổi...cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Để dự phòng ung thư phổi, các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là không hút thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này. Ngoài ra, việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận động, tập luyện thể thao đều đặn, cải thiện vệ sinh môi trường và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả. Đặc biệt, ở những khu vực có tỷ lệ ô nhiễm không khí cao, người dân nên đeo khẩu trang và quần áo che kín vùng đầu khi đi ra ngoài. Cùng với đó là vệ sinh sạch sẽ nhà ở và phòng ngủ thường xuyên, có thể lắp đặt máy lọc không khí trong nhà, trồng thêm nhiều cây xanh.../.


Tác giả: Hoàng Thía - Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết