Mùa Hè: Nguy cơ mắc liên cầu khuẩn nguy hiểm từ thói quen ăn uống
Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, các món ăn tái luôn hấp dẫn bởi sự tươi sống, đậm đà hương vị truyền thống.Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chính những món ăn này lại tiềm ẩn nguy cơ mắc liên cầu khuẩn Streptococcus suis – một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, sốc nhiễm khuẩn và tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
Ở thời điểm hiện nay, mùa Hè nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, do đó thói quen chủ quan, ăn thức ăn tái, sống (tiết canh, nem chua, thịt tái, gỏi cá…) nhất là tiết canh là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc và tử vong đáng tiếc.
Liên cầu khuẩn – kẻ giết người thầm lặng
Streptococcus suis là một loại liên cầu khuẩn thường tồn tại trong đường hô hấp, tiêu hóa và sinh dục của lợn, kể cả những con lợn không có biểu hiện bệnh.
Người dân có thể nhiễm qua việc ăn tiết canh sống, thịt tái, nem chua hoặc tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh khi có vết thương hở.
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng toàn thân và đặc biệt nguy hiểm khi xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, gây viêm màng não mủ.
Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7–30%, nhiều trường hợp sống sót để lại di chứng như điếc vĩnh viễn hoặc tàn tật suốt đời.
Những món ăn “nguy cơ cao”
- Tiết canh, lòng lợn sống hoặc chần sơ.
- Nem chua, nem thính...
- Thịt lợn tái, thịt nướng chưa chín kỹ.
- Gỏi cá, gỏi hải sản sống.
- Thịt nguội, thịt xông khói bảo quản không đúng cách...
Dấu hiệu nhận biết người bị nhiễm liên cầu khuẩn
Sau khi ăn thức ăn tái, sống từ 30 phút đến 02 giờ hoặc có thể lâu hơn, người bệnh có các biểu hiện sau:
- Sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu dữ dội.
- Chóng mặt, buồn nôn, ù tai, rối loạn tri giác.
- Cứng gáy, co giật (biểu hiện viêm màng não).
- Trường hợp nặng: sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, tử vong.
Khuyến cáo của ngành y tế
- Ăn chín, uống sôi, rửa tay, dụng cụ sạch sẽ khi chế biến thực phẩm.
- Lựa chọn thực phẩm sạch. Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt sống, các món tái, gỏi từ thịt lợn, cá, hải sản sống.
- Không dùng chung dao, thớt cho đồ sống và chín.
- Người giết mổ, chế biến thịt động vật cần mang bảo hộ, tránh để vết thương hở tiếp xúc với thịt sống.
- Khi có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Mỗi người và gia đình đừng để thói quen ăn uống thiếu an toàn trở thành mối hiểm họa cho sức khỏe.
Vì bản thân và gia đình – hãy nói không với thực phẩm tái, sống!
Đoàn Huê