• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh viêm gan virus

Viêm gan virus là bệnh lý gan phổ biến, gây ra bởi các loại virus viêm gan A, B, C, D, E. Trong đó, viêm gan B và C có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, trên Thế giới có khoảng 354 triệu người nhiễm virus viêm gan, trong đó trên 296 triệu người sống chung với viêm gan B, hơn 3.000 người tử vong mỗi ngày do virus viêm gan. Tại Việt Nam, cứ 100 người thì có khoảng 10 người mắc viêm gan B hoặc C. Hiện nay, viêm gan đã có thể điều trị một cách hiệu quả nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị.

1. Các loại viêm gan virus chính 

- Viêm gan A (HAV): Viêm gan A được gây ra bởi virus HAV (Hepatitis A Virus). Viêm gan virus A thường là bệnh cấp tính (bệnh chỉ biểu hiện trong một thời gian nhất định), không diễn tiến thành mạn tính. Hiện nay vẫn cho chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm gan A. bệnh lây qua đường tiêu hóa (do ăn uống không đảm bảo vệ sinh).

Viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, do những đồ ăn, thức uống bị nhiễm virus viêm gan A. Thức ăn, nước uống, vật dụng, hoặc tay người tiếp xúc với virus viêm gan A sẽ trở thành nguồn lây nhiễm virus. Ngoài ra, virus viêm gan A cũng có có thể có trong bể bơi, trong đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt cá nhân, trong môi trường đất, nguồn nước... Ở người bệnh, virus viêm gan A thường được tìm thấy bên trong nước bọt, nước tiểu nhưng nhiều nhất vẫn là trong phân thải.

Virus viêm gan A có thể trú ngụ trong thực phẩm bẩn (thực phẩm đông lạnh và chưa nấu chín). Khi ăn phải thực phẩm có chứa virus viêm gan A sẽ theo thức ăn, nước uống xâm nhập vào cơ thể gây viêm gan, ảnh hưởng tới vai trò hoạt động của gan.

Viêm gan A cũng có thể lây truyền qua đường máu, tuy nhiên khả năng lây truyền theo phương thức này rất hiếm.

Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có được miễn dịch bền vững suốt đời (hoặc có thể chủ động tạo miễn dịch để phòng tránh bệnh thông qua việc tiêm vắc – xin phòng viêm gan virus A).

- Viêm gan B (HBV): Viêm gan B được gây ra bởi virus HBV (Hepatitis B Virus). Sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Sau thời gian này, virus bắt đầu hoạt động và gây ra viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng mà cơ thể không thể tự miễn dịch chống lại virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và người bệnh sẽ mang virus HBV suốt đời. Viêm gan B lây qua đường máu, quan hệ tình dục, mẹ truyền sang con. 

- Viêm gan C (HCV): Viêm gan C là bệnh nhiễm trùng do virus viêm gan C (HCV) gây viêm và làm tổn thương gan. Theo thời gian, tình trạng viêm trong mô gan có thể diễn tiến thành tổn thương xơ chai vĩnh viễn, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan…Viêm gan  C có thể xuất hiện dưới tình trạng cấp tính hoặc mạn tính, chủ yếu lây qua đường máu (dùng chung kim tiêm, truyền máu không an toàn, dùng chung dụng cụ xuyên chích qua da…). 

- Viêm gan D (HDV): Viêm gan D là bệnh nhiễm trùng gan do virus HDV gây ra. Chủng virus chỉ có thể nhân lên và lây lan khi có sự hiện diện của virus viêm gan B. Nói cách khác, người bệnh chỉ nhiễm viêm gan D khi đồng thời đang mắc viêm gan B vì HDV cần virus viêm gan B để nhân lên trong cơ thể. Bệnh lý này có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương gan vĩnh viễn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

- Viêm gan E (HEV): Viêm gan E là bệnh nhiễm trùng gan do virus HEV gây ra. Tuy không phổ biến, nhưng viêm gan E cũng là bệnh nguy hiểm. Bệnh có thể lây sang người qua đường tiêu hóa, thông qua tiếp xúc hoặc tiêu thụ thức ăn chưa chín.Người bệnh viêm gan E đa số không có triệu chứng, thường tự khỏi sau khoảng 4-6 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở người bị suy giảm miễn dịch có thể bị nhiễm trùng mãn tính nếu nhiễm virus viêm gan E nhưng khá hiếm gặp. Ở người đã mắc bệnh gan, nhiễm viêm gan E có thể gây suy gan, thậm chí gây tử vong.

2. Biện pháp phòng bệnh viêm gan virus 

a. Tiêm phòng vắc-xin 

- Viêm gan virus A: Tiêm 2 mũi (cách nhau 6-12 tháng). 

- Viêm gan virus B: Tiêm đủ 3 mũi theo lịch TCMR trong năm đầu (trẻ sơ sinh tiêm trong 24 giờ đầu) và nhắc lại sau 1 năm. 

- Tuy nhiên, hiện nay chưa có vắc-xin cho viêm gan virus C, D, E. 

b. Phòng lây nhiễm 

* Với HBV, HCV, HDV: 

          - Không dùng chung kim tiêm, dao cạo, bàn chải đánh răng...  

          - Quan hệ tình dục an toàn (dùng bao cao su). 

           - Kiểm tra sàng lọc trước khi truyền máu, hiến tạng. 

           - Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HBV để phòng lây sang con. 

*Với HAV, HEV: 

           - Ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn. 

          - Vệ sinh môi trường, xử lý nước thải hợp vệ sinh. 

c. Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và điều trị sớm 

- Xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện HBV, HCV (đặc biệt người có nguy cơ cao như: sống trong gia đình có người mắc viêm gan, người nghiện chích ma túy, dùng chung dụng cụ xuyên chích qua da, truyền máu chưa sàng lọc, quan hệ tình dục không an toàn...). 

- Nếu nhiễm HBV/HCV, tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus (như Tenofovir, Sofosbuvir…) để giảm nguy cơ biến chứng gây xơ gan, ung thư gan... 

3. Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh  

- Ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya và làm việc căng thẳng, tập thể dục thường xuyên, phù hợp với sức khỏe mỗi người. 

- Không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá để giảm gánh nặng cho gan. 

- Không tự ý dùng thuốc gây hại cho gan  như: Paracetamol liều cao, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc...; khi dùng thuốc điều trị bệnh phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.

- Mỗi người và cộng đồng cần chủ động nâng cao nhận thức về cách phòng bệnh viêm gan. 

- Khuyến khích tiêm chủng và xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm viêm gan để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. 

- Việc phòng bệnh viêm gan virus cần kết hợp tiêm vắc-xin, vệ sinh cá nhân, thực hiện lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ. Những người có nguy cơ nhiễm bệnh hãy đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm.

 Tại tỉnh Hưng Yên, ở các khu vực phía Nam của tỉnh (huyện Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà thuộc tỉnh Thái Bình cũ), nhờ hỗ trợ của Dự án BIDMC, năm 2025 đã triển khai các hoạt động phòng, chống viêm gan B,C như: sàng lọc viêm gan B, C miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao; xét nghiệm tải lượng virus viêm gan B,C cho người mắc bệnh; điều trị viêm gan B, C bằng thuốc kháng virus cho người mắc viêm gan B, C có sự hỗ trợ của Bảo hiểm y tế.

 Chi tiết liên hệ: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên, cơ sở 2, điện thoại: 02273.831.450 hoặc các Bệnh viện: Đa khoa Thái Bình: 02273.831.102; Đa khoa Quỳnh Phụ: 0856.668.295; Đa khoa Tiền Hải: 0988.723.784; Đa khoa Vũ Thư: 02273.826.306; Đa khoa Hưng Hà: 02216.536.868 để được hỗ trợ.


Tác giả: BS CKII. Lưu Thị Ánh Tuyết- PGĐ Trung tâm KSBT tỉnh Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB