Tái phát đột quỵ - Cảnh báo nguy hiểm
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm làm cho não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn cầu. Sau khi qua cơn đột quỵ đầu tiên nhiều người nghĩ rằng bệnh đã qua nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sau khi hồi phục từ đột quỵ lần đầu, nguy cơ tái phát bệnh là rất cao và hậu quả thường nghiêm trọng hơn lần đầu như liệt nặng hơn, mất ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ hoặc tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Theo Tổ chức Đột quỵ thế giới, cứ 2 giây lại có 1 ca đột quỵ mới xảy ra trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% ca bệnh dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nghiêm trọng.
1. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ gồm:
- Bỏ qua thời gian kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Không kiểm soát tốt bệnh nền mỡ máu, tiểu đường, tim mạch: Hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao gây ra các mảng bám tích tụ trong động mạch; lượng đường trong máu cao hay bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương mạch hoặc các cục máu đông làm tắc mạch máu; Bất thường về tim, ví dụ rung tâm nhĩ khiến cục máu đông hình thành, di chuyển từ tim lên não gây đột quỵ tái phát.
- Ngừng dùng thuốc huyết áp, chống đông, mỡ máu.
- Thường chủ quan và bỏ dở quá trình điều trị sau đột quỵ lần đầu.
- Hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện thường xuyên, lạm dụng rượu, bia quá mức.
- Ăn uống không lành mạnh dẫn đến tăng cân, béo phì khiến người bệnh có khả năng bị tiểu đường, tái phát bệnh tim và đẩy huyết áp tăng cao.
- Lười vận động và căng thẳng kéo dài.
Người từng bị đột quỵ có thể tái phát bất ngờ và tiến triển rất nhanh vì thế cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu tái phát:
- Đột ngột yếu, liệt một phần cơ thể: tê bì, lệch một bên mặt, tay hoặc chân.
- Khó khăn trong quá trình vận động, mất thăng bằng không đứng, đi được.
- Méo miệng, nói ngọng, không nói được hoặc không hiểu lời nói của người khác.
- Mắt nhìn mờ, hoa mắt, hoặc mất thị lực một bên không nhìn rõ.
- Choáng váng, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
Các biện pháp phòng ngừa tái phát đột quỵ
Việc khám sức khoẻ thường xuyên, định kỳ giúp phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái thái đường, rối loạn mỡ máu....:
- Kiểm soát huyết áp: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ não và kiểm soát huyết áp tối làm giảm 28% nguy cơ đột quỵ tái phát. Mục tiêu kiểm soát huyết áp xuống dưới 140/90 mmHg, và dưới 130/80 mmHg với nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.
- Đái tháo đường: Tất cả bệnh nhân đột quỵ não cần được sàng lọc và phát hiện đái tháo đường. Điều trị bao gồm chế độ ăn phù hợp, chế độ tập luyện kết hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường. Mục tiêu HbA1C dưới 7% và dự phòng các biến chứng do đái tháo đường.
- Kiểm soát rối loạn chuyển hoá lipid máu: Kiểm soát tốt tăng Cholesterol máu giúp giảm 16% nguy cơ đột quỵ tái phát. Mục tiêu kiểm soát LDL Cholesterol xuống dưới 70-100 mg/dL.
- Kiểm soát các bệnh lý kèm theo: Các bệnh lý tim mạch (rung nhĩ, bệnh van tim...), xơ vữa động mạch cảnh, các bệnh lý tăng đông...
- Thay đổi lối sống: Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh khoa học: Giảm đường, tăng cường ngũ cốc, hoa quả tươi và rau xanh. Hạn chế và giảm tối đa đồ ngọt, dầu mỡ, thực phẩm chiên rán để ổn định lượng cholesterol trong máu (~70 - 100mg/dL).
- Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài, không hút thuốc lá, hạn chế bia, rượu…
- Theo dõi và duy trì điều trị các bệnh lý nền như: bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp...
- Duy trì chế độ tập luyện thường xuyên như đi bộ, vận động phù hợp ít nhất 30 phút/ngày. Tái khám và thực hiện tầm soát đột quỵ thường xuyên vì có thể xảy ra đột quỵ lần 2, lần 3,lần 4, những lần sau sẽ bị nặng hơn, khó phục hồi và có thể gây tử vong.
Việc dự phòng tái phát là yếu tố then chốt giúp người bệnh sống khỏe mạnh lâu dài nên hãy tuân thủ các biện pháp sau giúp giảm nguy cơ tái phát đột quỵ. Đột quỵ tái phát là hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức không chủ quan sau khi điều trị đột quỵ lần đầu để sống khỏe và phòng tái phát có thể gây nguy hiểm tính mạng.