• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rối loạn lo âu

Trong cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh, áp lực trong học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội, việc một số người cảm thấy lo lắng là điều bình thường. Tuy nhiên, khi sự lo lắng trở nên quá mức, kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày, đó có thể là rối loạn lo âu một vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ.

Rối loạn lo âu (Anxiety Disorders) là nhóm các tình trạng tâm lý trong đó người bệnh có cảm giác lo lắng, sợ hãi quá mức, không hợp lý và khó kiểm soát. Những cảm giác này kéo dài dai dẳng, xảy ra thường xuyên mà không có nguyên nhân cụ thể rõ ràng hoặc phản ứng quá mức với các tình huống thường nhật.

Lo âu không còn đơn thuần là cảm xúc sinh lý bình thường nữa, mà đã trở thành một rối loạn tâm thần ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống, học tập, làm việc và các mối quan hệ xã hội.

Các triệu chứng rối loạn lo âu có thể xuất hiện dưới nhiều cách khác nhau, có thể là đột ngột hoặc từ từ và kéo dài cho đến khi người bệnh nhận ra các triệu chứng. Do vậy cần theo dõi các triệu chứng của bệnh để kịp thời thăm khám và điều trị.

Một số dạng của rối loạn lo âu phổ biến như: Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), Rối loạn hoảng sợ; ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).

          Những biểu hiện của rối loạn lo âu thường xuất hiện gồm:

  • Căng thẳng, lo lắng quá mức: Đây là triệu chứng điển hình của chứng rối loạn lo âu, ảnh hưởng đến cảm xúc của chính người bệnh và những người xung quanh;
  • Đứng ngồi không yên: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất khi người bệnh bị căng thẳng và lo âu quá mức. Bệnh nhân sẽ không giữ được bình tĩnh, nói nhiều, đi lại liên tục, não bộ không thể suy nghĩ được;
  • Khả năng tập trung kém: Căng thẳng kéo dài sẽ gây mất khả năng tập trung. Trong trường hợp nặng, căng thẳng và lo lắng quá mức có thể gây suy giảm trí nhớ;
  • Cảm thấy sợ hãi vô lý: Người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác sợ hãi nhưng không rõ nguyên nhân gây sợ là gì, sợ hãi lâu ngày có thể trở thành một vấn đề tâm lý cực kỳ nghiêm trọng như ám ảnh. Tim đập nhanh, mạnh, hít thở không sâu, thở gấp, run tay, run chân, ra mồ hôi nhiều, tê buốt tay, chân, đi tiểu nhiều lần;
  • Cảm thấy mệt mỏi, uể oải, đau mỏi toàn thân.

        Rối loạn lo âu gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, nếu để lâu sẽ dẫn đến trầm cảm

  • Choáng váng, đau đầu kéo dài, buồn nôn: Các triệu chứng này xuất hiện nhiều và kéo dài sẽ làm giảm tự tin trong giao tiếp, cản trở công việc và quan hệ trong xã hội
  • Rối loạn tiêu hóa, thay đổi khẩu vị, tăng hoặc sụt cân: Khi tinh thần và cảm xúc thay đổi sẽ làm thay đổi khẩu vị. Rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Một số người bệnh có thể bị tăng cân một cách không kiểm soát, trong khi đó, số khác lại bị sụt cân;
  • Rối loạn giấc ngủ: Do căng thẳng, lo lắng kéo dài, người bệnh sẽ liên tục thấy buồn ngủ hoặc thiếu ngủ. Tình trạng này để lâu cũng tác động lại đến sức khỏe về mặt thể chất lẫn tinh thần, khiến tâm lý không ổn định;
  • Cảm thấy nghi ngờ bản thân: Đây cũng là một trong những triệu chứng rối loạn lo âu gây ra. Người bệnh thường tự đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn với chính bản thân và tình huống xung quanh. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh cảm thấy thiếu tự tin vào chính bản thân.

Để phòng tránh rối loạn lo âu, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản và hiệu quả như duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ngủ đủ giấc (7–8 tiếng mỗi đêm), tập thể dục thường xuyên để cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần, ăn uống cân bằng với các thực phẩm giàu tryptophan như chuối, thịt gà, bí đỏ, hạt sen, đồng thời hạn chế sử dụng chất kích thích như cafein, rượu và thuốc lá.

Bên cạnh đó, cần chủ động quản lý căng thẳng thông qua các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu, yoga,… sắp xếp thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, duy trì sở thích và hoạt động giải trí để cân bằng cảm xúc.

Việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ xã hội cũng rất quan trọng: hãy kết nối với bạn bè, gia đình, tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc nhóm sở thích để giảm cảm giác cô đơn. Nếu tình trạng lo âu kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được hỗ trợ, chẩn đoán và điều trị.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết