• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhận biết Cúm mùa và COVID-19 để phòng bệnh hiệu quả

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus Cúm gây ra, thường lành tính nhưng vẫn có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người già và người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, hen phế quản. Hầu hết những người khỏe mạnh bị Cúm sẽ tự khỏi trong vài ngày đến 2 tuần, nhưng một số người có thể gặp các biến chứng nặng, cần phải nhập viện. So với COVID-19, bệnh cúm thường gây nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn hơn. Trong khi mọi người dành nhiều sự chú ý cho COVID-19 thì bệnh Cúm mùa lại bị xem nhẹ. Việc nhận biết đúng và phân biệt rõ ràng giữa Cúm mùa và COVID-19 không chỉ giúp chúng ta có hướng điều trị phù hợp mà còn góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Về đặc điểm, Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Cúm (chủ yếu là Influenza A và B) gây ra, thường bùng phát theo mùa, đặc biệt là vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết lạnh hoặc khi độ ẩm cao. COVID-19 là bệnh do virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây ra, được phát hiện lần đầu vào cuối năm 2019 và đã gây ra đại dịch toàn cầu. Mặc dù cả hai bệnh đều lây lan qua đường hô hấp và có những biểu hiện ban đầu tương đối giống nhau, nhưng chúng có nhiều điểm khác biệt đáng lưu ý.

Về cách nhận biết, người mắc cúm mùa thường có biểu hiện khởi phát đột ngột như sốt cao từ 38 đến 40 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ, ho, đau họng, chảy mũi và cảm giác mệt mỏi toàn thân. Những biểu hiện này thường kéo dài trong vài ngày đến một tuần và có thể tự khỏi nếu người bệnh có sức đề kháng tốt. Trong khi đó, người mắc COVID-19 cũng có thể sốt, ho, đau họng và mệt mỏi nhưng kèm theo những dấu hiệu đặc trưng hơn như mất khứu giác, vị giác, đau tức ngực, khó thở và có thể diễn biến trở nặng nhanh chóng trong 1 vài ngày. Một số trường hợp COVID-19 còn có biểu hiện tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn mà ở cúm mùa rất hiếm khi gặp.

Về mức độ nguy hiểm, Cúm mùa thường lành tính ở người khỏe mạnh nhưng ở người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 05 tuổi, phụ nữ có thai và người có bệnh nền thì có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm cơ tim, thậm chí tử vong . COVID-19, đặc biệt là các biến chủng mới như Delta, Omicron, có khả năng lây lan rất nhanh và gây tổn thương phổi nặng, suy hô hấp cấp, tổn thương đa cơ quan, thậm chí tử vong trong thời gian ngắn. Không ít trường hợp mắc COVID-19 phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, những trường hợp nặng phải thở máy hoặc lọc máu.

Phân biệt Cúm mùa và COVID-19

Một người có thể bị Cúm mùa kèm theo COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác cùng một lúc. Tuy nhiên, sự hiện diện của virus SARS- CoV2 cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn chặn các ca bệnh Cúm, bởi vì thường chỉ có một loại virus đường hô hấp chiếm ưu thế trong một quần thể tại một thời điểm nhất định. Nghĩa là loại virus này có xu hướng ngăn cản loại virus kia, tuy nhiên các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này.

Phòng bệnh luôn là biện pháp quan trọng hàng đầu. Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng nếu không may nhiễm. Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền (như đái tháo đường, tim mạch, hô hấp, béo phì), phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch hoặc ghép tạng là những người có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn khi mắc Cúm, do đó cần ưu tiên thực hiện tiêm chủng phòng Cúm.

https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2025/7/11/luu-y-truoc-khi-tiem-phong-cum-1-1752210218617-17522102189872070609881.jpg

              Vắc xin phòng Cúm được khuyến cáo tiêm hằng năm, nhất là ở đối tượng nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện các biện pháp khác như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách khi giao tiếp, giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nơi làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch, giúp nâng cao sức khỏe và phòng bệnh.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB