Những điều cần biết về bệnh Dại
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 60.000 người tử vong do Dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng Dại. Ngày thế giới phòng, chống bệnh Dại 28/9 hằng năm với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức tới các cấp, ngành và nhân dân để đạt được mục tiêu: Việt Nam phấn đấu không có người tử vong do bệnh Dại vào năm 2030.
Bệnh Dại là gì?
Bệnh Dại (Rabies) là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút Dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với vi-rút Dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh Dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm vi-rút Dại. Khi đã lên cơn Dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Ổ chứa vi-rút Dại trong thiên nhiên thường là các loài động vật có vú như chó, mèo, dơi, cáo…Hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra ở các nước nghèo và đang phát triển vì không kiểm soát được bệnh Dại ở động vật nuôi là chó, mèo.
Làm sao chẩn đoán bệnh Dại?
Bệnh Dại gồm các giai đoạn bệnh như sau:
Thời kỳ ủ bệnh: 10 ngày - 1 năm (trung bình 20-60 ngày). Dài ngắn tuỳ thuộc vào vị trí vết cắn. Vết cắn càng gần đầu mặt cổ, thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Thời kỳ khởi phát:
- Vết cắn cảm giác ngứa, kiến bò.
- Tính tình thay đổi dễ kích động, mất ngủ.
- Ít gặp ho, nôn mửa, tiêu chảy.
Thời kỳ toàn phát: 2 thể
* Thể hung dữ hoặc co cứng:
- Bệnh nhân hung tợn, điên cuồng, gây gổ, đập phá...,hôn mê và tử vong.
- Kích thích vận động: Co cứng run rẩy chân tay, co thắt họng, sợ nước, sợ gió, hoảng hốt, mắt sáng đỏ, tai thính và rất đau, khát nước mà không dám uống, chỉ nhìn thấy hoặc nghe tiếng nước chảy cũng gây tăng co thắt họng và đau. Tình trạng này tăng nên mỗi khi kích thích dù rất nhỏ như 1 luồng gió nhẹ, mùi vị, ánh sáng..., nét mặt luôn căng thẳng. Bệnh nhân sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm rãi, rối loạn tim mạch và hô hấp, xuất hiện nhiều ảo giác. Có lúc tỉnh táo, tất cả các triệu chứng trên xuất hiện thành cơn, ngày càng dày hơn nặng hơn, các triệu chứng nặng dần lên và sau 3- 5 ngày tử vong do ngừng hô hấp và ngừng tim (Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo cho đến chết).
* Thể bại liệt (ít gặp hơn) Thường gặp ở người tiêm văcxin sau khi bị chó cắn đi tiêm phòng nhưng muộn:
- Không sợ nước, sợ gió.
- Đau nhiều vùng cột sống, đau chi bị cắn.
- Liệt hướng thượng,đầu tiên liệt chi dưới, rối loạn cơ vòng rồi liệt chi trên.
- Khi tổn thương tới hành não thì ngừng hô hấp và tuần hoàn mất phản xạ gân cơ, liệt cơ hô hấp, liệt cơ lưỡi…, tử vong sau 4-12 ngày.
Chẩn đoán sơ bộ bệnh Dại: Thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và các yếu tố dịch tễ có liên quan.
Chẩn đoán xác định bệnh Dại: Bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập vi-rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Có thể dựa vào kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh lấy từ dìa tóc ở gáy bệnh nhân hoặc chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hoà trên chuột hay trên nuôi cấy tế bào. Ngày nay, với kỹ thuật mới chẩn đoán bệnh Dại có thể được thực hiện bằng cách phân lập vi-rút hoặc phát hiện RNA vi-rút bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) từ nước bọt, dich não tủy, nước tiểu, mô sinh thiết (não, da).
Biểu hiện súc vật bị Dại như sau:
- Thời kỳ ủ bệnh: 3 tuần - 3 tháng (6 tháng).
- Virus có trong dãi của con vật (thường là chó, mèo) và truyền bệnh trước khi có triệu chứng 1- 2 tuần.
- Bệnh tiến triển từ vài giờ đến 1-2 ngày: Con vật thay đổi tính nết, không nhìn thẳng, buồn bã, nằm riêng xó tối hoặc sục sạo, chồm vồ động vật... liếm gãi, nhay vết cắn, nuốt bất kỳ vật gì: rơm, rác...
- Thời kỳ toàn phát: 2 trạng thái sau:
+ Hung dữ: Kích thích tấn công tất cả những gì chúng gặp...
+ Liệt: Nằm gầm giường, gầm tủ...
- Thường chết sau 2-10 ngày.
Điều trị bệnh Dại như thế nào?
Hiện chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho bệnh Dại. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ (oxy liệu pháp, thở máy, truyền dịch, vận mạch) và chăm sóc giảm nhẹ (an thần, giảm đau, chống co giật …).
Các biện pháp phòng bệnh Dại
Bệnh Dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng Dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
2. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
3. Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại, huyết thanh kháng Dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
4. Hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.