• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nội dung chính Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 gồm 7 chương và 36 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia..

Một số nội dung chính của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia:

Luật nghiêm cấm các nhóm hành vi

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.

13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Các địa điểm không uống rượu, bia

  Luật quy định địa điểm không uống rượu, bia bao gồm: cơ sở y tế (trừ trường hợp sử dụng rượu, bia để chữa bệnh theo chỉ định của bác sỹ); cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở bảo trợ; Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

  Xiết chặt về quảng cáo rượu, bia 

Nghiêm cấm hành vi quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức. 

Luật cũng quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia như quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Đặc biệt, luật cũng quy định không quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18h - 21h hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo trong các chương trình thể thao đã mua bản quyền được tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ. Quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; Quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ; Quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên; Quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

Biện pháp giảm tác hại của rượu, bia

Luật đưa ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

Ngoài ra, Luật cũng đưa ra các điều kiện đảm bảo cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia./.


Tác giả: Bác sĩ Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB