Rượu, bia và sức khỏe trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
- Trong dịp Tết đến Xuân về, rượu, bia là thức uống truyền thống đã thành phong tục, tập quán, hầu như không thể thiếu và trở thành một phần của văn hóa Tết. Ngày lễ tết, hội họp, gặp nhau mời uống một chút rượu để chúc sức khỏe là một nét văn hóa của người Việt. Nhưng uống nhiều rượu, bia, đặc biệt ép nhau uống rượu, bia thì không phải là nét “văn hóa”, hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, thậm chí còn vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Tác hại của rượu, bia với sức khoẻ con người như rối loạn tâm thần, xơ gan, ngoài ra là nguyên nhân của tai nạn giao thông và hậu quả của uống rượu, bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
- Rối loạn tâm thần kinh: Gây rối loạn tâm thần nặng, hội chứng cai rượu, động kinh, trầm cảm, lo âu. Giảm khả năng tư duy, học tập ở trẻ vị thành niên.
- Gây ung thư: Ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
- Bệnh tim mạch: làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và làm trầm trọng bệnh tăng huyết áp.
- Đái tháo đường: tăng nguy cơ mắc bệnh/ làm cho bệnh nặng thêm nếu uống nhiều.
- Tác động tới bào thai: làm trẻ sinh ra bị dị dạng, chậm phát triển, tổn thương hệ thần kinh.
- Bệnh tiêu hóa: Tổn thương gan, xơ gan, làm nặng thêm các tổn thương do vi rút viêm gan C; viêm tụy cấp/mạn tính.
- Tổn thương hệ miễn dịch: làm suy giảm miễn dịch dấn tới nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (viêm phổi, lao, HIV) cao hơn.
- Gây hành vi nguy cơ, chấn thương: Quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn giao thông, bạo lực, tự tử,…
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần (một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%)).
- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho bệnh nặng lên.
- Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
- Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và không nên uống quá ngưỡng quy định như trên.
Để vui Tết Giáp Thìn 2024 an toàn, bảo vệ sức khỏe bản thân, phòng nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm người dân hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn./.