• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sở Y tế Thái Bình xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng cho người dân về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với sức khỏe con người; Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc trong triển khai hoạt động truyền thông về bảo vệ sức khỏe và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe người dân. Ngày 22/04/2024, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 80/KH-SYT về Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Nội dung của Kế hoạch như sau:

MỤC TIÊU:

Mục tiêu chung

- Đánh giá thách thức và cơ hội của BĐKH đối với quá trình phát triển của ngành Y tế Thái Bình, lồng ghép BĐKH trong chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh.

- Xác định được các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với BĐKH, nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH của ngành Y tế Thái Bình nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, BĐKH ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành y tế và sức khoẻ cộng đồng trong công tác ứng phó với BĐKH.

Chỉ tiêu:

- 100% các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện ban hành Kế hoạch ứng phó với BĐKH của ngành y tế hoặc lồng ghép vào kế hoạch hoạt động của đơn vị.

Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khoẻ và ứng phó với BĐKH.

Chỉ tiêu:

- 90% cán bộ y tế tại các cơ sở y tế được truyền thông và tập huấn về ứng phó với BĐKH của ngành y tế.

- 100% các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện có tổ chức hoạt động giáo dục, truyền thông về BĐKH và sức khỏe cho cộng đồng.

Mục tiêu 3: Tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thống y tế cơ sở.

Chỉ tiêu:

- 80% các cơ sở y tế xây mới có áp dụng các giải pháp nhằm ứng phó với các tác động của BĐKH.

- Nghiên cứu xây dựng và triển khai mô hình phòng chống thiên tai, thảm họa, tai nạn thương tích cộng đồng thích ứng với BĐKH tại một số vùng có nguy cơ ảnh hưởng do BĐKH trên địa bàn tỉnh.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Cơ chế chính sách và tổ chức quản lý

- Rà soát, triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trước tác động của BĐKH.

- Từng bước hoàn thiện quy hoạch xây dựng mạng lưới y tế (từ tỉnh, huyện đến y tế cơ sở) về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.

- Đề xuất ban hành và triển khai các chính sách nhằm thu hút mọi nguồn lực để phát triển hệ thống y tế Thái Bình vững mạnh.

- Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo sớm trước tác động của BĐKH đến sức khoẻ nhân dân.

- Định hướng các lĩnh vực thuộc ngành Y tế như:

+ Công tác dự phòng: Kiểm soát tốt dịch COVID-19, dịch bệnh mới nổi, bệnh truyền nhiễm và các bệnh không lây nhiễm.

+ Khám chữa bệnh: Thực hiện tốt bộ chỉ số đánh giá chất lượng bệnh viện, an toàn bệnh viện, có tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng bệnh viện an toàn, phương án cho tình huống thiên tai, thảm họa.

+ Truyền thông, giáo dục và đào tạo nâng cao năng lực phòng chống BĐKH: Xây dựng và thực hiện Kế hoạch truyền thông về BĐKH của ngành y tế phù hợp với tình hình thực tế; Xây dựng các tài liệu truyền thông và tổ chức các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Xây dựng chương trình và tài liệu tập huấn, Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn;

+ Xây dựng, nhân rộng và thực hiện tốt các mô hình ứng phó với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại tỉnh.

+ Xây dựng, triển khai mô hình phòng chống các ảnh hưởng của BĐKH và các biện pháp thích ứng với BĐKH tại một số vùng bị ảnh hưởng do BĐKH.

+ Mô hình quản lý, giám sát các dịch bệnh liên quan BĐKH: Triển khai thực hiện tốt phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm.

+ Mô hình Vệ sinh môi trường (VSMT) và nước sạch thích ứng với BĐKH: Triển khai thực hiện tốt phần mềm quản lý chất lượng nước sạch, quản lý nhà tiêu hợp vệ sinh.

2. Tăng cường nghiên cứu khoa học

- Nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH tới ngành y tế và năng lực ứng phó của ngành Y tế Thái Bình trước các tác động của BĐKH.

- Xây dựng các mô hình thu dung, điều trị bệnh nhân trong trường hợp gia tăng dịch, bệnh liên quan đến BĐKH.

- Đề xuất các giải pháp quản lý, kiểm soát dịch, bệnh trong điều kiện BĐKH, nhất là sau thiên tai, lũ lụt, hạn hán tại những vùng có nguy cơ cao.

3. Tài chính

- Đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động này của ngành y tế tại tỉnh và các đơn vị trực thuộc.

- Chủ động thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH vào các chương trình, dự án, kế hoạch có liên quan của đơn vị.

- Huy động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tham gia vào các hoạt động ứng phó BĐKH.

4. Kiểm tra, giám sát và đánh giá

- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá phù hợp với điều kiện thực tiễn tại những vùng bị ảnh hưởng và những vùng có nguy cơ cao chịu tác động của BĐKH trên địa bàn.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ, đột xuất.

- Xây dựng, hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo hoạt động ứng phó với BĐKH của ngành y tế tại tỉnh.

- Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong ngành y tế, theo chức năng nhiệm vụ, nội dung hoạt động được phân công.

5. Tổng kết, đánh giá

- Tổng hợp số liệu, đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2021-2025;

- Tổng hợp số liệu, đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2026-2030.

LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI

Giai đoạn đến năm 2025

- Tăng cường truyền thông, nâng cao năng lực về BĐKH và sức khỏe cộng đồng.

- Khảo sát, đánh giá khả năng thích ứng với BĐKH của hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh.

- Thí điểm các mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương:

- Xây dựng, triển khai mô hình phòng chống tai nạn thương tích cộng đồng thích ứng với BĐKH tại một số vùng bị ảnh hưởng do BĐKH của tỉnh.

- Mô hình VSMT và nước sạch thích ứng với BĐKH...

 Giai đoạn 2026-2030 và tầm nhìn 2050

- Triển khai thực hiện các chính sách và nhiệm vụ đã xây dựng giai đoạn 2021-2025.

- Quy hoạch, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cơ sở y tế, trang thiết bị, nhân lực ở những vùng có nguy cơ chịu tác động lớn do BĐKH tại tỉnh Thái Bình.

- Áp dụng các mô hình ứng phó với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại tỉnh.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB