• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sở Y tế: Triển khai thực hiện Kế hoạch số 47/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về thực hiện Kế hoạch số 230-KH/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng tại các đơn vị; gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân địa phương; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống y tế và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ngày 15/03/2024, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 56/KH-SYT triển khai thực hiện Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình thực hiện Kế hoạch số 230-KH/TU ngày 24/01/2024 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư “Về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Thái Bình (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình).

Theo đó, Kế hoạch số 56/KH-SYT tập trung vào các nội dung sau:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 230-KH/TU ngày 24/01/2024 của Tỉnh ủy Thái Bình và Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 07/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

- Thông tin, truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với các nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; sơ cấp cứu; khám chữa bệnh; phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm; an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác dân số; triển khai các chương trình y tế công cộng, quản lý sức khoẻ cá nhân.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng xa trung tâm gắn với mục tiêu bảo đảm công bằng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân. Người đứng đầu các đơn vị y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách.

- Đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe; đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khoẻ toàn dân.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác y tế cơ sở. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế cơ sở và các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe, y tế vào trong chương trình, kế hoạch phát triển y tế hằng năm, 5 năm và chiến lược dài hạn của các đơn vị y tế.

- Triển khai đầy đủ các chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm.

- Khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân.

- Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy y tế cơ sở theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phối hợp triển khai mô hình tổ chức, quản lý đối với Trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp huyện bao gồm thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về y tế, dân số, an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý, nâng cao chất lượng nguồn lực và tổ chức hoạt động chuyên môn của y tế cơ sở.

- Hệ thống y tế cơ sở triển khai quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại; kết hợp quân y và dân y; gắn với y tế trường học.

3. Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước

- Phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng chi cho y tế cơ sở dựa trên kết quả hoạt động và điều kiện thực tiễn. Hướng đến áp dụng phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo phương thức Nhà nước đặt hàng, thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản.

- Chi trả theo hướng khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý sức khỏe dân cư tại cộng đồng.

- Tham mưu đề xuất tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.

- Vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở.

- Rà soát trang thiết bị của các cơ sở y tế để điều chuyển từ nơi thừa, các nơi không có nhu cầu hoặc không có khả năng sử dụng được sang nơi thiếu, nơi có khả năng sử dụng để bảo đảm hiệu quả. Đề xuất tham mưu nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho các trạm y tế xã có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã hỏng, xuống cấp để hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, ưu tiên vùng ven biển, vùng xa trung tâm, bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng.

- Thực hiện các chính sách khuyến khích và tăng cường sự gắn kết giữa y tế tư nhân và y tế công lập trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn.

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở

- Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở; phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

- Tham mưu thực hiện chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn về làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng xa trung tâm; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.

- Củng cố, phát triển mạng lưới y tế dự phòng theo hướng tập trung. Tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường, lối sống.

5. Đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở

- Chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng;  theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện cho người dân tại địa phương.

- Phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện việc chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Phát huy vai trò, hiệu quả của y học cổ truyền trong phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Đẩy mạnh kết hợp quân - dân y, nâng cao năng lực y tế vùng xa, vùng khó khăn.

- Rà soát, đánh giá một số trạm y tế điển hình về thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ theo chức năng để xây dựng mô hình điểm và triển khai áp dụng tại các huyện, thành phố phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó sơ kết, tổng kết và nhân rộng áp dụng mô hình trên toàn tỉnh. Thực hiện mô hình điểm đối với trạm y tế phải đáp ứng được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc sức khỏe.

- Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thống kê, quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống y tế trong cả nước.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết