• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế: Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống Dại

 

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh Dại có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có bệnh Dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong do Dại cao. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 người chết do bệnh Dại , tăng 17% so với năm 2022. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ta đã có 22 trường hợp tử vong do Dại, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh Dại có thời gian ủ bệnh ngắn từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 05 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

 

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do Dại trên người là do người bị động vật bị mắc Dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh Dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin phòng Dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn dẫn đến gia tăng số ca bệnh Dại trên động vật.

 Trước tình hình gia tăng bệnh Dại trên người và động vật tại nhiều nơi, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại, Bộ Y tế ban hành Công văn số 1208/BYT-DP ngày 15/3/2024 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống Dại. Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai cấp bách một số nội dung như sau:

- Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

- Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng Dại, huyết thanh kháng Dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 01 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng Dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh Dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại, huyết thanh kháng Dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do Dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp. Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở...

- Bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh Dại trên người, động vật, huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng, xã hội trong công tác phòng, chống bệnh Dại.

                                                                                      Bs Trần Hương

 


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết