• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm lao trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng

Ngày 12/3/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định 579/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm lao trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng. Ngày 14/3/2024,  Sở Y tế Thái Bình cũng đã ban hành Công văn 405/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nội dung tài liệu nêu rõ, bệnh lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis - viết tắt: MTB) gây nên. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80%-85%), nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi, khí dung. Bệnh lao có thể gây tử vong, nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.

Người nghi mắc bệnh lao: Là người có triệu chứng lâm sàng nghi lao hoặc có hình ảnh bất thường nghi lao trên phim chụp X-quang phổi hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Người mắc bệnh lao (người bệnh lao): Là người có tình trạng bệnh lý do vi khuẩn lao gây ra, biểu hiện các triệu chứng của bệnh lao, chẩn đoán dựa trên tìm thấy vi khuẩn lao bằng các kỹ thuật vi sinh hoặc có bằng chứng mô bệnh học của tổn thương do lao hoặc chẩn đoán dựa vào bằng chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác (không hoặc chưa tìm thấy bằng chứng vi khuẩn và mô bệnh học).

Vi khuẩn lao lây qua không khí qua các hạt khí dung sinh ra khi người mắc bệnh lao phổi hắt hơi, ho, cười hoặc nói. Sự lây truyền xảy ra khi người khác hít phải các hạt khi dung có kích thước nhỏ hơn 5µm (là những hạt có thể đi sâu xuống phế nang). Trong điều kiện bình thường các hạt khí dung này có thể lơ lửng trong không khí một khoảng thời gian dài và phân tán xa khỏi nguồn phát sinh. Nguồn lây bệnh lao chính là người mắc bệnh lao phổi hoạt động và chưa được đưa vào điều trị. Vi khuẩn lao được hít vào, tới và nhân lên trong phế nang, có thể xâm nhập vào máu, lan rộng khắp cơ thể. Sau một khoảng thời gian 2 tuần – 8 tuần, hệ thống miễn dịch tạo ra các đại thực bào và cô lập chúng trong các u hạt để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn, giai đoạn này được gọi là nhiễm lao tiềm ẩn. Tuy nhiên, rào cản miễn dịch này có thể không hoạt động ở người nhiễm HIV hoặc những người có hệ miễn dịch suy giảm khác (như trẻ nhỏ, người dùng thuốc ức chế miễn dịch…). Nếu hệ thống miễn dịch hoạt động không hiệu quả, vi khuẩn lao bắt đầu nhân lên nhanh chóng và gây ra các biểu hiện bệnh tại các cơ quan như phổi, thận, não…Chỉ có khoảng 5 – 10% những người nhiễm lao với hệ thống miễn dịch bình thường sẽ phát triển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời của họ.

Người bị nhiễm lao có thể phát triển thành bệnh lao ở bất kỳ thời điểm nào. Nguy cơ phát triển thành bệnh lao cao ở vài năm đầu (cao nhất trong 2 năm đầu) sau khi nhiễm lao và giảm sau một thời gian dài. Nhiễm lao có thể tiến triển thành bệnh lao do nhiều yếu tố khác nhau nhưng vấn đề quan trọng nhất là suy giảm hệ thống miễn dịch, đặc biệt do nhiễm HIV. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80%-85%), nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi, khí dung. Bệnh có thể gây tử vong, nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.

Theo tài liệu, các nguyên tắc chủ đạo phòng ngừa lây truyền bệnh lao trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nhằm mang lại an toàn cho cả người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Cần có chương trình phòng chống lao trong cơ sở với sự tham gia của các phòng ban, bộ phận. Áp dụng gói tích hợp các biện pháp can thiệp dành riêng cho bệnh lao để phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm theo cấp độ các biện pháp và kiểm soát lây nhiễm lao: kiểm soát hành chính; kiểm soát môi trường và bảo vệ hô hấp.

Cần phải sàng lọc, phát hiện sớm, cách ly và điều trị sớm đối với mọi người bệnh đến khám nghi ngờ bệnh lao hay người bệnh đang điều trị nội trú.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cần chuẩn hóa hệ thống tài liệu, hướng dẫn, các quy trình làm việc liên quan đến khám, sàng lọc, điều trị và phòng ngừa lây nhiễm lao. Cung cấp cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ việc phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm lao phù hợp cho nhân viên y tế, người bệnh.

Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm lao trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng” được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng./.


Tác giả: Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết