Người dân chủ động đến CDC tỉnh để tiêm vắc xin phòng bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn
Dù chưa phải là cao điểm mùa nắng nóng nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin Dại đang tăng cao tại phòng tiêm chủng vắc xin của Trung tam Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình.
Sáng ngày 16/3/2024, phòng tiêm chủng vắc xin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh tiếp nhận 01 trường hợp bệnh nhân nam quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, bệnh nhân bị chó cắn ở nhiều vị trí trên cơ thể, với vết thương ở mức độ nặng. Ngay sau khi đến phòng tiêm chủng vắc xin của CDC Thái Bình, bệnh nhân đã được xử lí vết thương, tiêm kháng huyết thanh dại ở các vị trí cắn và tiêm vắc xin phòng bệnh Dại.
Có thể thấy, mặc dù chưa cao điểm nắng nóng nhưng thời gian qua đã có rất nhiều người không may bị chó cắn, mèo cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Nhận thức rõ sự nguy hiểm của bệnh Dại, người dân đã chủ động tìm đến phòng tiêm chủng vắc xin của CDC tỉnh Thái Bình để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời.
Theo số liệu từ CDC, trong năm 2023, phòng tiêm vắc xin đã tiếp nhận 865 ca bị chó, mèo cắn, cào đến tư vấn, trong đó 281 ca nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh kháng Dại, số vắc xin phòng Dại tiêm cho các trường hợp trên là 2.411 liều. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, phòng tiêm chủng cũng đã đón tiếp 150 ca bị chó, mèo cào cắn đến tư vấn, tiêm phòng, trong đó 48 ca nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh Dại.
Các bác sĩ cho biết, khi thời tiết chuyển mùa với khí hậu bắt đầu nóng lên cũng là thời điểm có nguy cơ mắc bệnh Dại cao. Tại Việt Nam, thời điểm có nguy cơ cao mắc bệnh Dại rơi vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, rất có thể thời kỳ cao điểm của bệnh Dại có thể đến sớm hơn và gia tăng nhanh chóng vào năm nay, đặc biệt tăng mạnh vào những tháng đầu năm Giáp Thìn 2024.
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình hiện đang cung ứng đầy đủ các loại vắc xin phòng Dại thế hệ mới đã được kiểm định an toàn, chứng minh khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Tất cả vắc xin đều được bảo quản trong điều kiện tối ưu của hệ thống kho lạnh hiện đại, quy mô lớn đạt chuẩn. Bệnh Dại là bệnh tử vong 100% nhưng có thể phòng ngừa được. Nếu người dân bị súc vật cào, cắn thì phải kịp thời xử lý sớm vết cắn đúng cách, sau đó lập tức đưa người bị súc vật cắn đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất. Người bị súc vật cắn sẽ được khám và chỉ định tiêm vắc xin hay huyết thanh kháng Dại theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đây là biện pháp duy nhất cứu sống người đã phơi nhiễm với vi rút Dại. Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Trong vòng 6 tháng sau tiêm vắc xin, người dân không sử dụng bất kỳ các loại đồ uống có cồn như rượu, bia ... đặc biệt có một số thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành kháng thể kháng vi rút dại của cơ thể, do đó trong thời gian này khi đi khám chữa bệnh cần báo cho bác sỹ biết việc mình đang tiêm phòng dại../.