• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo nguy cơ bệnh Dại gia tăng

Dù chưa phải là cao điểm mùa nắng nóng nhưng hiện nay tỷ lệ người tiêm vắc xin phòng Dại đang tăng cao.

Tại phòng tiêm chủng vắc xin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình hàng ngày vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp đến tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh sau khi bị chó, mèo cào, cắn. Sở Y tế Thái Bình cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn.Bệnh nhân Vũ Văn Hà, quê xã Vũ Lạc - Thành phố Thái Bình, sau khi bị chó cắn, mặc dù chó đã được tiêm vắc xin phòng Dại nhưng bệnh nhân Hà vẫn nhanh chóng tìm đến CDC tỉnh Thái Bình để được tư vấn, xử trí và tiêm vắc xin phòng Dại kịp thời.

Cũng như bệnh nhân Hà, bà Bà Trần Thị Na, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, không may bị chó cắn, bà đã yên tâm phần nào khi được gia đình đưa lên CDC tỉnh xử lí vết cắn và tiêm vắc xin phòng bệnh.

 Có thể thấy, thời gian qua, nhiều người không may bị chó cắn, mèo cắn/cào, nhận thức rõ về sự nguy hiểm của bệnh dại, người dân đã chủ động tìm đến phòng tiêm chủng vắc xin của CDC tỉnh để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời.

BSCKI Trần Thị Gấm - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, CDC tỉnh cho biết: Tình hình bệnh Dại trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong những tháng đầu năm, chỉ trong 02 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh Dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh Dại là người bị động vật nghi Dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng Dại, không tiêm vắc xin phòng Dại hoặc tiêm muộn, không đủ liều, không đúng chỉ định.

Theo nhận định của Bộ Y tế, thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh Dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế. Hiện nay, bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, 100% người mắc bệnh Dại sẽ tử vong khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: cho chó, mèo nuôi tiêm vắc xin phòng Dại đầy đủ và tiêm nhắc hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; chó nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng thì có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm giập vết thương và không băng kín vết thương; kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại, huyết thanh kháng Dại; tuyệt đối không chữa bệnh Dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Trong thời gian tiêm, không được uống rượu, bia và không dùng các chất kích thích khác, không sử dụng các thuốc kháng viêm, thuốc làm giảm miễn dịch trong khi tiêm và 6 tháng sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dại, đến nay chưa có thuốc đặc hiệu chữa bệnh dại lên cơn. Do đó tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại là cách duy nhất cấp cứu có hiệu quả cho người bị súc vật nghi dại cắn./. 


Tác giả: Thuý Liễu
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết