THÁI BÌNH: TĂNG CƯỜNG SÀNG LỌC, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM GAN B VÀ C TẠI TUYẾN Y TẾ CƠ SỞ
Gan đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể khoẻ mạnh. Gan vừa như một tổng kho dự trữ năng lượng, vừa là "nhà máy xử lý rác thải" giúp loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi gan bị tổn thương, chức năng gan sẽ bị suy giảm, độc tố sẽ tích tụ dẫn đến các triệu chứng như vàng da, phù, chảy máu, nhiễm trùng...Một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan lớn nhất ở Việt Nam là viêm gan siêu vi mãn tính. Hiện nay, đang tồn tại 05 loại viêm gan do virus gây ra là A, B, C, D và E. Trong đó, viêm gan B, C nguy hiểm hơn cả và là gánh nặng rất lớn cho không chỉ người bệnh, gia đình người bệnh mà cho cả hệ thống chăm sóc y tế.
Ước tính tại Việt Nam có 7,8 triệu người sống chung với bệnh viêm gan B. Nhưng chỉ có 1,28 triệu người được chẩn đoán và gần 44 nghìn người được điều trị. Viêm gan C ước tính có gần 1 triệu người nhiễm, nhưng chỉ có khoảng 80 ngàn người được chẩn đoán và gần 5 nghìn người được điều trị. Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có gánh nặng viêm gan siêu vi cao, số người mắc và tử vong do ung thư gan hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới và đứng hàng thứ 2 trong khu vực.
Viêm gan là căn bệnh diễn biến âm thầm với biểu hiện không rõ ràng. Ở giai đoạn sớm, nếu không xét nghiệm máu để sàng lọc thì rất khó phát hiện ra. Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, chán ăn…thì thường đã ở giai đoạn muộn. Có những trường hợp dù phát hiện nhiễm virus viêm gan nhưng thấy sức khỏe bình thường nên không theo dõi và điều trị, khi đã ở giai đoạn muộn, gan mất hoàn toàn chức năng và không thể phục hồi được nữa, bệnh biến chứng thành xơ gan, ung thư gan, tỷ lệ tử vong rất cao. Ngoài ra, nếu không được phát hiện điều trị sớm thì người nhiễm virus viêm gan cũng có thể là nguồn lây cho người thân và cộng đồng.
Bác sĩ CKI Nguyễn Trung Tuyến - Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nếu như bệnh nhân phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, gan mất hoàn toàn chức năng và không thể phục hồi được nữa, bệnh biến chứng thành xơ gan, ung thư gan, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Phần lớn bệnh nhân sau khi phát hiện xơ gan, ung thư gan chỉ còn sống được từ 1-3 năm. Chính vì vậy, việc bảo vệ và phục hồi tế bào gan cần thực hiện sớm và đúng cách. Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang theo dõi, điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân viêm gan B, C. Có người được chẩn đoán mắc viêm gan B nhưng không điều trị, hoặc điều trị một thời gian thì bỏ thuốc, khi có triệu chứng đau mạng sườn phải đến khám mới biết đã có khối u ở gan... Khi bệnh nhân phát bệnh ở giai đoạn mãn tính dễ dẫn tới biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng, do đó viêm gan B,C cần được phát hiện sớm, điều trị tích cực theo phác đồ của bác sĩ.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh Viêm gan được ngành y tế tỉnh triển khai nhiều hoạt động và đặc biệt bắt đầu từ năm 2023 nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới cộng đồng được khởi động thông qua dự án: “Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan tại tuyến y tế cơ sở”. Sau 01 năm triển khai, việc xây dựng mô hình đã đạt được những kết quả rất khả quan. Các đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã đồng thiết kế mô hình một cách tối ưu hoá lộ trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, xây dựng năng lực của nhân viên y tế để quản lý bệnh viêm gan, cải thiện tính sẵn sàng của cơ sở và hệ thống y tế, huy động người dân, cộng đồng vào công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Trước mắt, mô hình được triển khai thí điểm ở 02 huyện Tiền Hải, Quỳnh Phụ và dự kiến sẽ nhân rộng ra các địa phương khác trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Nam Thái - Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cũng chia sẻ: Thông qua các hoạt động Dự án, việc tối ưu hoá lộ trình chăm sóc và kết nối điều trị bệnh nhân được thực hiện. Việc nâng cao năng lực cho nhân viên y tế được chú trọng, nhiều cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng chỉ về lập kế hoạch truyền thông, được cầm tay chỉ việc trong việc xây dựng kế hoạch sàng lọc cộng đồng lồng ghép với truyền thông, quản lí dữ liệu các ca dương tính và kết nối với dịch vụ chăm sóc và điều trị. Đối với 02 bệnh viện và các trạm y tế triển khai thí điểm, việc khám sàng lọc viêm gan B, C được lồng ghép vào những dịch vụ khám, chữa bệnh khác. Bệnh nhân khi được phát hiện bệnh viêm gan B, C tại đây sẽ được quản lí, điều trị và được kết nối với dịch vụ chăm sóc và điều trị viêm gan, được BHYT chi trả.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng gần 09 triệu người Việt Nam nhiễm virus viêm gan B và C mạn tính. Điều đó có nghĩa cứ 100 người trong cộng đồng của chúng ta thì có tới 7- 8 người mắc viêm gan B và 1 người mắc viêm gan C.
Ở Việt Nam, ung thư gan chiếm nhiều nhất trong các loại ung thư, gây tử vong hàng năm trên 25 nghìn trường hợp, gấp 03 số ca tử vong do tai nạn giao thông. Vì vậy, nếu chúng ta không chủ động sàng lọc, xét nghiệm và điều trị viêm gan kịp thời thì tỉ lệ tử vong do viêm gan sẽ tiếp tục gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của cộng đồng./.