• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh

Tháng 12, thời tiết thuận lợi cho các mầm bệnh, vi trùng, vi rút, côn trùng phát triển, gây bệnh, nhất là gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngày 17/12/2024, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 1747/KH-BYT Hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12/2024.

Ngày 27/12 hàng năm, tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sẽ cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn ở cấp độ toàn cầu. Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12 nhằm nâng cao ý thức của người dân và tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xin cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm đang có dịch tại các địa phương và tỉnh Thái Bình như sau:

1.Bệnh sởi: Từ đầu năm 2024 cho đến nay, tình hình bệnh sởi tại Việt Nam diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc, chủ yếu gặp ở trẻ em, thậm chí đã có ca tử vong. Tại tỉnh Thái Bình, trong tuần 51, tiếp tục ghi nhận 02 ca mắc sởi.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin chưa đầy đủ. Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4 – 5 năm một lần, khi năm 2019 nước ta có dịch sởi với số ca mắc sởi tăng đáng kể.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Virus sởi có thể lây gián tiếp khi người khỏe mạnh chạm vào đồ vật hoặc bề mặt dính mầm bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Chính vì vậy, những nơi đông người như khu dân cư, trường học, bệnh viện trở thành môi trường lý tưởng cho bệnh lây lan.

Biểu hiện ban đầu của bệnh sởi thường giống cảm cúm với sốt, chảy nước mắt, mũi, viêm đường hô hấp và phát ban. Giai đoạn lây nhiễm diễn ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi xuất hiện phát ban. Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, dễ bị mắc sởi do hệ miễn dịch yếu và kháng thể bảo vệ từ mẹ giảm dần sau sinh.

Để phòng tránh bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo:

          - Người dân hãy đưa trẻ từ 9 tháng tuổi đi tiêm vắc xin sởi đúng lịch và đủ liều để phòng bệnh. Đặc biệt những trẻ trong độ tuổi từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến trạm y tế địa phương để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin sởi kịp thời.

- Tránh tiếp xúc gần với những người nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Nếu có người trong gia đình mắc sởi, cần cách ly người bệnh trong phòng riêng và hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay là phương pháp hiệu quả để loại bỏ virus có thể lây lan qua tiếp xúc.

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi đến các nơi đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm.

- Thường xuyên lau chùi, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc như bàn, ghế, tay nắm cửa bằng dung dịch khử trùng.

- Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

- Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và nâng cao sức đề kháng.

2. Bệnh viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên, gây nhiễm trùng màng não, gây tổn thương não. Mọi người đều có thể bị bệnh, nhưng ở lứa tuổi trẻ bệnh hay gặp hơn. Bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần như hôn, hắt hơi, ho hoặc sống gần người bệnh, dùng chung đồ ăn thức uống hay đồ vật sinh hoạt với người mang bệnh dễ bị lây lan. Nguồn lây bệnh là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, nhạy cảm với ánh sáng, mệt mỏi, có thể có đau họng, xuất hiện chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Có 5% - 10% bệnh nhân bị tử vong, nếu khỏi bệnh có thể để lại di chứng nặng nề về thần kinh.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

3. Bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra, lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hóa, dễ gây thành dịch. Bệnh xảy ra quanh năm và gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Biểu hiện chính của bệnh Tay chân miệng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.

Biến chứng của bệnh: Bệnh Tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5, có thể đến ngày 7 của bệnh. Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch...

  Phòng bệnh Tay chân miệng tại cộng đồng

- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.

- Lau sàn nhà bng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

- Hạn chế tiếp xúc trẻ bệnh tại nhà.

- Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 7 - 10 ngày đầu của bệnh./.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB