Thái Bình: Hội thảo đánh giá kết quả mô hình chăm sóc và điều trị viêm gan vi rút quí I/2024 tại tuyến y tế cơ sở
Ngày 12/4/2024, Sở Y tế Thái Bình phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả triển khai Mô hình chăm sóc và điều trị Viêm gan vi rút tại tuyến y tế cơ sở. Dự hội thảo có đại diện cơ quan y tế Trung ương, Văn phòng HAIVN, lãnh đạo Sở Y tế, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ban đầu, đại diện các đơn vị y tế liên quan và đại diện bệnh nhân Viêm gan của 02 huyện Tiền Hải và Quỳnh Phụ.
Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước được lựa chọn xây dựng mô hình chăm sóc và điều trị Viêm gan vi rút tại tuyến y tế cơ sở. Sau hơn 01 năm triển khai, mô hình đã đạt được nhiều kết quả rất ý nghĩa và tích cực trong việc tăng cường sự tiếp cận và sử dụng các dịch vụ sàng lọc, tư vấn, kết nối và điều trị Viêm gan B, C của người dân trong cộng đồng ở 02 huyện triển khai mô hình là Quỳnh Phụ và Tiền Hải.
Mô hình đã thực sự đi vào hoạt động, người bệnh có Viêm gan B, C được phát hiện sớm, quản lí, điều trị tại y tế cơ sở và được hưởng bảo hiểm y tế chi trả. Số lượng bệnh nhân đáng kể từ tuyến trên và y tế tư nhân đã được kết nối và tiếp cận dịch vụ của mô hình tại tuyến huyện. Bước đầu thiết kế và triển khai hệ thống dữ liệu để quản lý và theo dõi bệnh nhân tham gia vào dịch vụ của hệ thống. Đồng thời, có sự vào cuộc và phối kết hợp giữa các bên liên quan trong hệ thống y tế đảm bảo tính khả thi và bền vững của mô hình chăm sóc y tế, bao gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế huyện và các Trạm y tế địa phương.
Tại Hội thảo, sau khi nghe đánh giá kết quả hoạt động quý I và thống nhất kế hoạch hoạt động quý II/2024 của mô hình, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp để việc triển khai mô hình trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, công tác sàng lọc và điều trị người bệnh sẽ tiếp tục triển khai một cách nhất quán, tăng cường mở rộng sàng lọc, kết nối điều trị và quản lý người bệnh, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế, duy trì tính bền vững để đưa mô hình đã được cải thiện chất lượng vào hoạt động thường quy, nhằm đáp ứng nhu cầu sàng lọc, kết nối và điều trị cao hơn của người bệnh Viêm gan B,C từ các cơ sở y tế và từ cộng đồng.
Việc triển khai mô hình chăm sóc và điều trị Viêm gan virus tại tuyến y tế cơ sở trong thời gian qua đã giúp ngành Y tế Thái Bình là điểm sáng trong công tác phòng, quản lí bệnh Viêm gan B, C tại cộng đồng, giúp nhiều người dân được hưởng lợi từ mô hình, hạn chế được những biến chứng, gánh nặng cho người bệnh, cũng như hạn chế sự lây lan của bệnh Viêm gan B, C ra cộng đồng. Dự kiến, mô hình sẽ được nhân rộng ra 06 huyện/thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo./.
Hoàng Thía