Thái Bình tham dự Hội thảo sơ kết giữa kỳ Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) giai đoạn 2021 -2025
Ngày 27/8/2024, Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội Thảo sơ kết giữa kỳ Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) giai đoạn 2021 -2025 tại Ninh Bình nhằm đánh giá sơ kết giữa kỳ kết quả hoạt động, chia sẻ các mô hình sáng tạo trong cung cấp dịch vụ PrEP và định hướng duy trì mở rộng và phát triển bền vững của chương trình tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, đại diện các cơ quan tổ chức hỗ trợ chương trình PC HIV/AIDS tại Việt Nam, Đại diện Sở Y tế của 35 tỉnh thành tham dự hội thảo, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh và đại diện rất nhiều các cơ sở điều trị cung cấp dịch vụ PrEP, các nhóm tiếp cận (CBO) của 35 tỉnh thành trên.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả triển khai PrEP giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch PrEP bền vững góp phần kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030: Các yếu tố tác động và định hướng giải pháp của Cục PC HIV/AIDS. Tiến sỹ - Bác sỹ Nguyễn Thị Thúy Vân – Chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã chỉ ra những khuyến cáo mới về PrEP năm 2024 của Tổ chức y tế thế giới trong bài trình bày của mình nhằm cập nhật kiến thức mới nhất cho các đại biểu, đặc biệt là các cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ PrEP như các hình thức điều trị PrEP mới là Vòng đặt âm đạo Dapivirine (DVR) có hiệu quả dự phòng trên 50% nhưng chỉ có tác dụng dự phòng lây truyền tại âm đạo, không bảo vệ khỏi nhiễm HIV qua các đường lây truyền khác như quan hệ tình dục đường miệng, tiêm chích và cần thay mới sau 28 ngày. Hay Cabotegravir tiêm có tác dụng kéo dài (CAB-LA) sử dụng tiêm bắp vùng mông cũng đạt hiệu quả khá cao trong thử nghiệm giai đoạn III.
Ngoài ra, hội thảo cũng có rất nhiều bài tham luận và chia sẻ kinh nghiệm về cải thiện chất lượng điều trị cũng như các hoạt động tuyền thông tạo cầu hay kỹ năng tiếp cận, kết nối, chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ cần thiết của các đơn vị hoạt động đạt hiệu quả cao trong thời gian vừa qua.
Hội thảo đã tạo điều kiện cho các đơn vị được giao lưu, gặp mặt, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm của các điển hình hoạt động PrEP hiệu quả trong khu vực, từ đó kết nối, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân sự các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ, nhằm cải thiện, tăng cường chất lượng chương trình PrEP tại tất cả các địa phương.
Hồng Vân - Khoa PC HIV/AIDS