Thái Bình thực hiện Đề án phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh tỉnh Thái Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Với mục tiêu xây dựng và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh Thái Bình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm trong khu vực, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển, ngày 03/2/20219, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh tỉnh Thái Bình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã đề ra các giải pháp như sau:
Về công tác tổ chức - bộ máy
Xây dựng, ban hành các Đề án thành lập: Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm Huyết học truyền máu và Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Đề án Thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Phụ sản và Đề án Sáp nhập Trung tâm cấp cứu 115, Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo đúng lộ trình; Đề án Thành lập Bệnh viện Đa khoa trực thuộc trường Cao đẳng Y tế Thái Bình. Tổ chức đánh giá mô hình hoạt động của hệ thống y tế cơ sở giai đoạn 2019 - 2025 để làm cơ sở điều chỉnh, xây dựng các đề án mô hình y tế cơ sở giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Xây dựng, ban hành đề án cơ chế tự chủ, đề án vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị theo từng giai đoạn.
Về công tác chuyên môn, nghiệp vụ
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải. Xây dựng mạng lưới điều trị và hỗ trợ cộng đồng qua các chương trình sức khỏe, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ tuyến trên đến tuyến dưới. Tiếp tục triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong 05 chuyên ngành: Ngoại - Chấn thương - Chỉnh hình, Tim mạch, Ung bướu, Sản khoa, Nhi khoa. Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai thực hiện kỹ thuật phẫu thuật tim hở và xạ trị. Đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện, xây dựng quy chế phối hợp trong việc cử cán bộ có trình độ tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại các các bệnh viện tuyến huyện. Tổ chức rà soát trình độ, nhân lực của các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; điều động cán bộ tăng cường khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế, nhất là đối với các Trạm Y tế chưa có bác sỹ, hoặc công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế. Tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các tỉnh có trình độ y khoa phát triển. Thường xuyên tăng cường bổ sung nguồn nhân lực cho các bệnh viện, tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện để tăng cường lực lượng đội ngũ bác sỹ có tay nghề cao, có chuyên môn sâu. Xây dựng cơ chế phối hợp với lực lượng Quân y trong khu vực phòng thủ, dự bị động viên, xử trí các tình huống trong thiên tai và thảm họa.
Về phát triển hệ thống y tế cơ sở
Xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển y tế cơ sở toàn diện. Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; thiết lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, tiến tới là hồ sơ điện tử và thống kê y tế điện tử. Rà soát lại cơ cấu nhân lực tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và các quy định hiện hành; xây dựng cơ chế phối hợp, điều động bác sỹ giữa các Trạm Y tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án chuẩn quốc gia Y tế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc bảo hiểm y tế, trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và hoàn thiện đội ngũ y, bác sỹ
Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ y tế có y đức, có tinh thần thái độ phục vụ tận tụy người bệnh, phục vụ cộng đồng; bảo đảm số lượng và chất lượng đào tạo theo mục tiêu đề ra; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Thực hiện điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực để khắc phục sự mất cân đối giữa các lĩnh vực. Phát huy năng lực và trình độ đào tạo của các trường đào tạo nhân lực y tế trên địa bàn; quan tâm đào tạo cán bộ y tế cộng đồng và cán bộ quản lý y tế. Tuân thủ các quy định hiện hành về đào tạo lại và đào tạo liên tục đối với chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế. Cơ sở đào tạo của tỉnh bảo đảm đào tạo được nhân lực y tế theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tham gia đào tạo nhân lực cho một số nước bạn có nhu cầu; đủ năng lực phát triển y tế tỉnh Thái Bình thành trung tâm y học ứng dụng của khu vực với các kỹ thuật chất lượng cao.
Đầu tư xây dựng và nâng cấp trang thiết bị
Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa quy mô 1.000 giường bệnh tại Khu Trung tâm Y tế tỉnh nhằm giảm tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt đầu tư, phê duyệt chủ trương để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các cơ sở khám, chữa bệnh, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; xác định những hạng mục, những cơ sở hạ tầng không còn phù hợp, không bảo đảm an toàn cho người bệnh, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án mua sắm trang thiết bị y tế đã được phê duyệt. Hằng năm, tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị y tế từ nguồn tăng cường cơ sở vật chất, chú trọng các đơn vị khó khăn, Trung tâm Y tế huyện, thành phố và Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các đơn vị sự nghiệp có thu đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp.
Xã hội hóa công tác y tế
Tạo điều kiện cho các bệnh viện được vay vốn, huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; liên doanh liên kết trang thiết bị y tế để phục vụ công tác chuyên môn trong khi nguồn vốn đầu tư từ nhà nước rất khó khăn và hạn chế.
Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa quy mô 1.000 giường bệnh từ nguồn xã hội hóa theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Thực hiện tự chủ
Tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, xây dựng đề án chuyển đổi hoạt động của các bệnh viện công lập sang tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phát triển kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng bệnh viện; kết hợp với đổi mới về cách quản lý, quản lý toàn diện, tránh thất thoát tiền và tài sản; công khai, minh bạch. Ứng dụng quản lý bằng tin học, tiến tới tự động hoá và bệnh viện không giấy tờ, không sử dụng tiền mặt.
Giải pháp tài chính
Thực hiện nghiên túc việc quản lý nguồn tài chính của đơn vị bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.
Hằng năm, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho các đơn vị y tế, ưu tiên cho y tế cơ sở, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và dự phòng thực hiện các nội dung khác.
Phát triển hệ thống thông tin y tế
Hiện đại hoá, đồng bộ hệ thống dữ liệu toàn ngành để quản lý toàn diện các lĩnh vực: Khám, chữa bệnh, nhân lực, dự phòng, cung ứng thuốc, hành nghề y tế tư nhân, tài chính ở tất cả các tuyến hoàn thành trước năm 2020.
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính trong y tế.
Triển khai hệ thống giao ban trực tuyến trong ngành thực hiện cải cách chế độ hội họp, báo cáo.
Truyền thông - giáo dục sức khỏe
Kiện toàn mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khỏe. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động và kỹ năng truyền thông - giáo dục sức khỏe cho các tuyến. Xây dựng chương trình truyền thông phù hợp với nhóm đối tượng. Phát triển các mô hình truyền thông hiệu quả tại cộng đồng; mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông.
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân về lối sống, hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe. Đẩy mạnh truyền thông về lợi ích, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và giá dịch vụ y tế.
Các giải pháp trên của Đề án đã được Sở Y tế Thái Bình cụ thể hoá thành Kế hoạch hoạt động hàng năm, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong ngành cùng xây dựng kế hoạch thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện vào các đợt sơ, tổng kết hàng năm của Ngành và từng đơn vị./.