• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch sởi tại trường học có chùm ca mắc

Ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh sởi tại 1 lớp học của trường THCS Trần Phú (Thành phố), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành giám sát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm cho 07/08 trường hợp có biểu hiện bệnh (01 trường hợp gia đình không đồng ý lấy mẫu). Kết quả cả 07/07 mẫu xét nghiệm đều dương tính Sởi.

Tất cả các ca bệnh đều có biểu hiện sốt cao, người mệt mỏi, ban xuất hiện rải rác trên da vùng mặt, lưng và lòng bàn tay, bàn chân...Hiện tại, các bệnh nhi được gia đình theo dõi điều trị tại nhà. Không có ca nào điều trị tại bệnh viện.

Đây là chùm ca bệnh sởi với 8 bệnh nhân trong cùng 1 lớp học, do đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các đơn vị trường học tích cực phối hợp với đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc để khoanh vùng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

 

Trung tâm Y tế Thành phố đã phối hợp với Trạm Y tế phường triển khai nhanh các biện pháp phòng chống dịch tại lớp học và trường học như vệ sinh môi trường, lớp học, thực hiện khử trùng, lau sàn nhà, bàn ghế, tay nắm cửa, các vật dụng trong lớp học... Đối với lớp học có ca mắc nhà trường đã cho học sinh nghỉ học để cách ly theo dõi sức khoẻ tại nhà, tích cực tuyên truyền học sinh đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Lập danh sách những học sinh có tiếp xúc gần, có yếu tố nguy cơ và theo dõi sức khỏe trong 2 tuần.

CDC Thái Bình khuyến cáo, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn trường học triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; Theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

CDC Thái Bình cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: Viêm màng não (biến chứng thường xuất hiện vào giai đoạn hồi phục với biểu hiện có thể sốt lại, đau đầu, cứng gáy, co giật và thay đổi ý thức từ lú lẫn, ngủ gà tới hôn mê), bội nhiễm sau mắc sởi (viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm phổi, viêm loét miệng, viêm cơ tim,…

Đối với phụ nữ mang thai khi mắc sởi thường dễ bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân mắc sởi bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.

 

Khi bị mắc bệnh sởi không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Người bệnh mắc sởi cần được cách ly, phát hiện và điều trị sớm biến chứng. Không sử dụng corticoid khi bệnh nhân chưa loại trừ mắc bệnh sởi. Vệ sinh da, mắt, miệng họng: không sử dụng các chế phẩm có corticoid. Tăng cường dinh dưỡng. Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát. Dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt cao. Bồi phụ nước, điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải. Bổ sung vitamin A.

Biện pháp dự phòng bệnh sởi hiệu quả đó là thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc  xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng. Không tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi, đi đến các vùng địa phương đang có thông báo bệnh dịch sởi. Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết