Công tác tiêm chủng phòng COVID-19 tại Thái Bình
Kể từ Chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa cho 23 triệu trẻ em tuổi từ 01-14 với vắcxin Sởi- Rubela (MR) năm 2014, 2015, đến ngày 10/7/2021, Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Đó là Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 (từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022).
Ngày 18/5/2021,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc mua vắc xin phòng COVID-19.Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng cho nhân dân.Với sự nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế và các ngành hữu quan, hiện đã có hàng triệu liều vắc xin phòng COVID-19 từ nhiều nguồn đã về hoặc dự kiến sẽ về Việt Nam trong thời gian tới (bao gồm cả vắc xin sản xuất trong nước). Ngày 08/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 năm 2021-2022 trong đó đã bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin.Từ ngày 10/7/2021,Việt Nam tổ chức Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.
Mục tiêu lớn nhất của Chiến dịch là tổ chức tiêm chủng cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng nhiều nhất, nhanh nhất để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân.
Cũng như tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh Thái Bình cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin COVID-19 theo từng đợt theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 và của Bộ Y tế.
Theo đó, các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVD-19 là đối tượng theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế, Quyết định số 3338/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế, cụ thể như sau:
Người làm trong cơ sở y tế (ưu tiên người làm trực tiếp, thường xuyên như người khám, cách ly, điều trị người bệnh/nghi bệnh COVID-19; điều dịch tễ, truy vết; lấy mẫu, làm mẫu xét nghiệm; vệ sinh khử khuẩn...; tiêm chủng vắc xin; chốt kiểm dịch…).
Người tham gia PCD: Thành viên Ban Chỉ đạo PCD các cấp; người làm việc ở các khu cách ly tập trung; thành viên tổ truy vết; người tham gia điều tra dịch tễ; tổ tự quản, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng; tình nguyện viên; phóng viên.
Lực lượng quân đội tham gia PCD.
Lực lượng công an tham gia PCD.
Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: vận tải (ưu tiên doanh nghiệp vận tải hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp xe khách, xe dịch vụ công cộng, xe đưa đón công nhân); cung cấp dịch vụ điện, nước.
Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh.
Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế...cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.
Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.
Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
(Đối tượng tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân).
Cho đến nay, tỉnh Thái Bình đã tổ chức triển khai 11 đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 và đã có hơn 315.000 mũi tiêm được thực hiện. Riêng đợt 11, Thái Bình đã thực hiện được gần 12.000 mũi tiêm cho các nhóm đối tượng.
Ngày 30/9/2021, Sở Y tế Thái Bình đã ban hành Kế hoạch hỏa tốc số 92/KH-SYT về tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 12 đối với 27.678 liều vắc xin Pfizer. Đối tượng tiêm đợt này gồm: Người từ 60 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên người cao tuổi, người có bệnh lý nền: bệnh phổi mạn tính, bệnh lý tim mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn tính...; Các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và các đơn vị y tế được giao nhiệm vụ tiêm thực hiện việc lập danh sách, tiêm đúng đối tượng trên; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm trong việc lập danh sách, tiêm không đúng đối tượng.Thời gian triển khai đợt 12 là từ ngày 30/9/2021 đến hết ngày 03/10/2021 (tiêm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật).
Phương thức triển khai và địa điểm tiêm: Tổ chức điểm tiêm đồng loạt trên địa bàn các huyện, thành phố: Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và Bệnh viện Đa khoa, các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn.
Về công tác tổ chức thực hiện: Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện đa khoa trong và ngoài công lập, các đơn vị y tế chủ trì tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Trung tâm Cấp cứu 115 căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể cũng như nội dung Kế hoạch đã gửi các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện.
Sở Y tế đề nghị UBND và Ban Chỉ đạo tiêm chủng COVID-19 các huyện, thành phố: Giao Trung tâm Y tế, huyện thành phố chủ trì, tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch tiêm theo đúng Kế hoạch và hướng dẫn của Sở Y tế. Chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan phối hợp với Trung tâm y tế huyện, thành phố để triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế. Chỉ đạo các đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn tham gia và phối hợp trong các hoạt động tiêm chủng, kể cả tiếp nhận cấp cứu xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động tiêm chủng: đúng đối tượng, đúng chỉ định, tiến độ tiêm, an toàn tiêm chủng...
Sở Y tế cũng đề nghị Viettel Thái Bình hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng, quản lý phần mềm quản lý tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng và hướng dẫn người dân đăng ký phần mềm Sổ Sức khoẻ điện tử…
Về kinh phí: Từ nguồn kinh phí của tỉnh chi cho các hoạt động: Vận chuyển và bảo quản vắc xin về huyện, đến các điểm tiêm chủng. Các hoạt động tập huấn cho Trung tâm Y tế huyện, các điểm tiêm chủng trên địa bàn; các hoạt động truyền thông tại địa phương. Bơm kim tiêm, các dụng cụ, vật tư phục vụ tiêm chủng… In ấn biểu mẫu, báo cáo. Công tiêm, kiểm tra giám sát tiêm chủng; xăng xe phục vụ các hoạt động tiêm chủng. Từ nguồn kinh phí của các địa phương phục vụ cho hoạt động tiêm chủng tại các huyện, thành phố.
Sở Y tế lưu ý các địa phương, đơn vị trong quá trình tổ chức tiêm chủng cần: Tổ chức tiêm đúng đối tượng, đúng chỉ định, tránh lãng phí vắc xin, trường hợp không tiêm hết số lượng vắc xin được phân bổ thì báo cáo ngay về Sở Y tế để được xem xét, điều phối. Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng: người có bệnh nền, người cao tuổi, người có tiền sử dị ứng... có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động. Không thu tiền, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng. Ở điểm tiêm nào để xảy ra tiêu cực, tiêm không đúng đối tượng, đúng chỉ định, không hoàn thành tiến độ tiêm theo quy định phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Sở Y tế. Việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 chỉ thực hiện đối với các trường hợp sau phân luồng, khai báo y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ, yếu tố dịch tễ hoặc các đối tượng có nguy cơ cao như lái xe, người thường xuyên ra vào tỉnh./.